Và mới đây, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chính thức diễn giải về quan điểm trung lập của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Kiev sẵn sàng trưng cầu dân ý về quy chế nêu trên. Giới chuyên gia nhận định, tuyên bố của ông Zelensky sẽ giúp các bên hiểu rõ về lập trường của đối phương, tạo điều kiện để hai bên đạt được một thoả thuận tích cực.
Tờ Ukrinform ngày 4/5 đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẵn sàng tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về quy chế trung lập sau các cuộc đàm phán với Nga. Theo giới chuyên gia, quốc gia trung lập là nước không tham gia các liên minh quân sự, không ký kết các hiệp ước dẫn đến xung đột vũ trang, không tham chiến trừ trường hợp tự vệ, không cung cấp tài chính, vũ khí, phương tiện tiến hành chiến tranh, không cho phép các bên giao chiến tuyển mộ nhân viên quân sự, không cho lập căn cứ quân sự, hậu cần trên lãnh thổ nước mình. Tuy nhiên, quy chế trung lập được diễn giải khác nhau tùy theo mỗi nước.
Trong trường hợp của Ukraine, ông Zelensky nêu rõ: "Đối với mong muốn của Nga về tình trạng trung lập của Ukraine, nếu đây là một trong những điều khoản của thoả thuận về việc chấm dứt chiến tranh, chúng tôi sẵn sàng xem xét nghiêm túc". Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh rằng, nước này chỉ thực hiện bước đi trên khi có được sự đảm bảo an ninh từ các quốc gia cụ thể. "Nếu chúng tôi đạt được những thỏa thuận nghiêm túc và đảm bảo an ninh rõ ràng, đồng thời Nga chấp nhận những thỏa thuận đó, chúng tôi sẽ tổ chức trưng cầu dân ý và Ukraine sẽ đưa ra quyết định", ông Zelensky tuyên bố.
Ngoài ra, ông Zelensky lưu ý rằng quá trình đàm phán hòa bình còn nhiều điều khoản khác cần thảo luận, trong đó có vấn đề về các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Trước đó, phía Ukraine quả quyết sẽ không từ bỏ các vùng lãnh thổ phía Đông để chấm dứt chiến tranh với Nga. Về phía Nga, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Sergei Naryshkin cho biết, tình trạng trung lập của Ukraine rất quan trọng với Nga. Đây là rào chắn lãnh thổ tối thiểu mà Nga cần để ngăn chặn các cuộc tấn công từ phương Tây. Dù chưa phải là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng Ukraine đã được hứa hẹn kết nạp vào liên minh. Tổng thống Putin từng nói rằng, mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Ukraine và NATO có thể biến nơi này trở thành bệ phóng cho tên lửa NATO nhằm vào Nga.
Vì vậy, Nga muốn có sự đảm bảo về vấn đề an ninh từ phía phương Tây, bao gồm việc hủy bỏ lời hứa cho Kiev gia nhập NATO. Được biết, tại cuộc đàm phán hòa bình với Nga ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3, Ukraine đã đề xuất ký một hiệp ước quốc tế mới về đảm bảo an ninh, trong đó quy định nghĩa vụ đối với các nước bảo lãnh về việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong trường hợp bị tấn công. Ông Zelensky sau đó cũng nêu tên 7 quốc gia đã liên lạc và sẵn sàng thảo luận về việc cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev trong trường hợp nước này cam kết trung lập trong thỏa thuận tương lai với Nga bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Israel.
Về việc Ukraine sẵn sàng trưng cầu dân ý về quy chế trung lập, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi cuối tháng 4 đã có một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Theo đó, khi Thượng nghị sĩ Rand Paul đặt câu hỏi về việc liệu Mỹ có chấp nhận Ukraine trở thành một quốc gia trung lập và không phải là thành viên NATO hay không, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ rằng Washington hoàn toàn có thể chấp nhận điều này. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang nỗ lực trang bị quân sự cho Ukraine nhằm giúp Ukraine có khả năng đối phó các cuộc tiến công của Nga và "nâng cao vị thế trên bàn đàm phán", nhưng quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào Kiev. "Đây là quyết định của họ", Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh.
Trong một diễn biến có liên quan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 4/5 đã đề xuất gói cấm vận thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) lên Nga vì tình hình Ukraine. Phần quan trọng nhất của gói cấm vận là việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. "Đây sẽ là lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ dầu mỏ Nga, từ dầu vận chuyển bằng đường biển, qua đường ống, dầu thô và dầu mỏ đã lọc. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng chúng ta loại dần dầu mỏ Nga một cách có trình tự, cho phép chúng ta và các đối tác đảm bảo các tuyến cung cấp thay thế và giảm thiểu tác động lên thị trường toàn cầu", bà von der Leyen nói, nhấn mạnh rằng châu Âu sẽ cắt hoàn toàn dầu thô Nga trong vòng 6 tháng và cấm sản phẩm từ dầu mỏ đến cuối năm nay.
Bà Von der Leyen cũng thừa nhận rằng kế hoạch mới sẽ không dễ dàng. Ngoài việc cấm nhập khẩu dầu mỏ, châu Âu còn đề xuất cấm vận nhiều sĩ quan quân đội cấp cao Nga, cấm 3 đài nhà nước Nga phát sóng tại EU và loại trừ Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga, cùng 2 ngân hàng khác khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.