CÔNG AN BẠC LIÊU
Chuyến công du định vị vai trò cầu nối giữa châu Á và châu Âu
Cập nhật ngày: 4-05-2022, lượt xem: 88
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đang có chuyến công du các nước Đông Nam Á và châu Âu. Chuyến thăm này được dư luận hết sức chú ý bởi bối cảnh thế giới trong thời gian gần đây có nhiều thay đổi, tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại cũng như đối sách phát triển kinh tế của từng nước.

Chuyến thăm xuyên châu Á và châu Âu của Thủ tướng Kishida Fumio tập trung vào 3 mục đích. Thứ nhất, Nhật Bản muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác quan trọng ở châu Á và châu Âu. 5 nước trong chuyến thăm lần này lần lượt là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Italy và Anh, đều là những đối tác quan trọng của Nhật Bản, được các đời Thủ tướng Nhật Bản thực hiện thăm thường xuyên.

Chuyến công du định vị vai trò cầu nối giữa châu Á và châu Âu -0
Chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được dư luận hết sức chú ý bởi bối cảnh thế giới trong thời gian gần đây có nhiều thay đổi.

Chuyến thăm lần này thể hiện Nhật Bản không thay đổi chính sách đối với các đối tác quan trọng và thân thiết, mong muốn thúc đẩy mối quan hệ này càng ngày càng trở nên sâu sắc. Thứ hai, các vấn đề thảo luận trong các cuộc hội đàm dự kiến là những vấn đề liên quan đến Nhật Bản, thể hiện trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, có gắn mật thiết với những quốc gia mà ông đặt chân tới.

Ví dụ như trong buổi hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 29/4, Thủ tướng Kishida đã đề cập tới vấn đề Ukraine, tình hình Biển Đông, động thái của Triều Tiên gần đây… và khẳng định rằng việc duy trì và tăng cường trật tự quốc tế một cách tự do dựa trên luật pháp quốc tế là điều vô cùng quan trọng, không cho phép việc đơn phương biến đổi hiện trạng bằng vũ lực. Nghĩa là để có thể hướng tới thực hiện chiến lược Ấn Độ Đương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, một trong những việc làm cụ thể là phải có sự ổn định trong khu vực.

Thứ ba, trong năm nay, Indonesia và Thái Lan lần lượt sẽ là Chủ tịch của G20 và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Trong vấn đề liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, Nhật Bản là nước duy nhất ở châu Á thuộc Nhóm G7, do đó mong muốn tham khảo ý kiến về việc ủng hộ hay không ủng hộ sự tham gia của Nga trong các diễn đàn quốc tế...

Riêng các nước châu Âu phê phán mạnh mẽ Nga, áp đặt nhiều lệnh trừng phạt Nga. Rõ ràng lập trường về cuộc xung đột Nga-Ukraine, dĩ nhiên phản đối chiến tranh là đương nhiên, nhưng trong nhiều góc độ khác có những khác biệt. Vì vậy, Nhật Bản mong muốn cơ hội này làm cầu nối giữa châu Á và châu Âu. Cũng có chuyên gia cho rằng đây là dịp Nhật Bản thể hiện vai trò là nước lớn trên thế giới.

Trong những năm gần đây Nhật Bản coi trọng mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, nhằm thu hút sự ủng hộ cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Hiện tại, chính sách của Nhật Bản mà cụ thể của chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio đối với Đông Nam Á vẫn không thay đổi.

Vì khu vực này có vai trò rất quan trọng đối với Nhật Bản, khi mà con đường thông thương bằng đường biển của Nhật Bản qua khu vực Đông Nam Á chiếm tới hơn 40%, 80% lượng dầu nhập khẩu của nước này đi qua Biển Đông. Sau Chiến tranh Lạnh, chính sách của Nhật Bản cũng thay đổi chuyển sang khu vực Đông Nam Á, bởi những "trục trặc" về mặt lịch sử đối với Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên xuất hiện, và sự cạnh tranh tại khu vực Đông Bắc Á ngày càng lớn.

Vì vậy, Đông Nam Á là sự lựa chọn thích hợp nhất của Nhật Bản khi mở rộng ảnh hưởng. Khu vực Đông Nam Á cũng là nơi Nhật Bản tiếp cận sâu về hợp tác kinh tế, an ninh, quốc phòng… thông qua việc cung cấp nguồn vốn ODA, hợp tác trong  tiểu vùng sông Mekong, nâng cao năng lực quốc phòng các quốc gia ASEAN, cứu trợ thiên tai, tăng cường vốn FDI…

Cục diện thế giới có nhiều thay đổi, nhất là khi Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Do đó, nhân tố Mỹ và Trung Quốc cũng tác động nhiều đến sự thay đổi trong chính sách của Nhật Bản, phù hợp với sự cạnh tranh của Trung Quốc và bớt dần đi phụ thuộc vào Mỹ. Những hoạt động kinh tế của Nhật Bản đã giúp tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản tại Đông Nam Á và chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Hơn nữa, sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với sự liên kết khu vực ngày càng tăng đã giúp Đông Nam Á trở nên mạnh mẽ hơn về kinh tế, qua đó giảm sự phụ thuộc kinh tế của khu vực vào Trung Quốc. Các nước ASEAN cũng rất ủng hộ Nhật Bản và mong muốn tiếp tục chọn Tokyo là đối tác tin cậy trong nhiều lĩnh vực.

Từ những nhiệm kỳ trước, đặc biệt là thời Thủ tướng Abe Shinzo, Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách ngoại giao trong đó rất tích cực chủ động trong các diễn đàn quốc tế, luôn đề xuất những sáng kiến liên quan đến khu vực.

Ví dụ như ngay cả sự hợp tác Bộ tứ Nhật Bản-Mỹ-Australia và Ấn Độ (QUAD), Nhật Bản chính là bên đưa ra sáng kiến này và thể hiện vai trò tiên phong của mình. Riêng về cuộc chiến Nga-Ukraine, ở Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu dường như đang dấy lên sự lo ngại về khái niệm "chủ nghĩa quyền uy quốc gia".

Nghĩa là, một quốc gia lớn có thể hành động đơn phương bằng vũ lực để thực hiện mục đích nào đó của mình. Hơn thế nữa, từ nhiều năm nay nổi lên là tranh giành Mỹ-Trung hay "cuộc chiến ngầm" giữa các quốc gia vẫn gay gắt, chưa có dấu hiệu lắng xuống, việc thay đổi chính sách ngoại giao cũng là lẽ đương nhiên. Không chỉ chính sách ngoại giao, Nhật Bản còn điều chỉnh cả Luật để có thể hợp pháp viện trợ nhân đạo, cung cấp trang thiết bị quân đội cho Ukraine.

Trong các nước ASEAN lập trường về xung đột Nga-Ukraine cũng khác nhau. Điều này buộc Nhật Bản phải lựa chiều để đạt được mục đích của mình khi muốn trở thành cầu nối giữa châu Á và châu Âu trong một số vấn đề bao gồm vấn đề xung đột Nga-Ukraine.

 

Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản

Truyền thông nước ngoài đưa tin đậm nét về chuyến công du Đông Nam Á của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, trong đó có điểm dừng chân ở Việt Nam.

Hãng tin Reuters (Anh) ngày 30/4 cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 29/4 đã khởi động chuyến công du Đông Nam Á và châu Âu, với điểm dừng chân đầu tiên là Indonesia để bàn về các vấn đề đang được khu vực quan tâm. Vào chiều 30/4, Thủ tướng Kishida Fumio đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến công du 2 ngày tại Việt Nam từ 30/4 - 1/5, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Kishida Fumio trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2021. Tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản.

Theo hãng tin Kyodo News (Nhật Bản), tại Việt Nam, ông Kishida Fumio có cuộc trao đổi với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Truyền thông Nhật Bản cũng nhắc về việc Tokyo và Việt Nam đã ký hiệp ước về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Theo Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ hướng tới việc nâng cao hoạt động hợp tác với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo báo Yomuri, với cương vị là thành viên châu Á duy nhất của nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp lớn nhất thế giới G7, Nhật Bản có thể sẽ trở thành cầu nối giữa G7 và ASEAN.

Trong khi đó, báo Arab News của Saudi Arabia nhận định, Thủ tướng Kishida Fumio, một nhà ngoại giao kỳ cựu, thông qua chuyến công du dự kiến sẽ định hình chương trình nghị sự toàn cầu của ông trong những tháng tới. Theo tờ báo, đây được xem là chuyến công du quan trọng trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Kishida Fumio, nhấn mạnh vai trò của Nhật Bản như một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho nền dân chủ tự do và trật tự kinh tế dựa trên luật lệ. Arab News cho rằng, 3 quốc gia mà ông Kishida Fumio chọn thăm, gồm Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, là những nước có tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Nhật Bản là một trong 11 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ, trong đó có Việt Nam, đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Một số quốc gia, gồm cả Indonesia và Thái Lan, được cho là cũng bày tỏ mong muốn tham gia vào thỏa thuận này. (PV)




Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác