Do cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự can dự gián tiếp của Mỹ và châu Âu, các thành viên ASEAN khá lo ngại rằng, họ sẽ bị cuốn vào quỹ đạo của cuộc xung đột do tầm quan trọng của các mối quan hệ song phương của từng nước thành viên. Áp lực như vậy đang gia tăng theo từng ngày. Washington đã thuyết phục một số đồng minh tẩy chay và cô lập Nga.
Vào thời điểm hiện tại, Mỹ đã nhận được đủ sự hỗ trợ để làm tê liệt các lĩnh vực năng lượng và kinh tế của Nga trong nhiều tháng và nhiều năm tới. Washington đã thành công trong việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ). Rõ ràng, Mỹ không muốn dừng lại ở đó. Nếu có thể, chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn loại bỏ Nga khỏi tất cả các mạng lưới khu vực và quốc tế.
Khoảng thời gian này, ông Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris rất hào hứng với việc gặp gỡ các đồng nghiệp ASEAN. Bà Harris đã đến thăm một số nước trong khu vực vào tháng 4/2021 để thúc đẩy vị thế của Mỹ ở Đông Nam Á.
Bất kỳ sự hỗ trợ bổ sung nào từ ASEAN, một cộng đồng 656 triệu dân số và lớn hơn châu Âu, sẽ là một động lực thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga. Nhưng ASEAN, với tư cách là một khối, sẽ không nghiêng hẳn về phía Mỹ. Và tất nhiên, những khác biệt giữa các thành viên ASEAN liên quan đến cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine khiến nỗ lực cô lập Nga của Mỹ trở nên khó khăn hơn. Hiện tại, ASEAN với tư cách là một bên triệu tập có thể tổ chức đối thoại với tất cả các bên xung đột.
Điều đó giúp giải thích tại sao Campuchia, Indonesia và Thái Lan sẽ mời Nga tham dự các hội nghị thượng đỉnh theo dự kiến của ASEAN, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tất nhiên, Chính phủ Nga sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham dự hay không.
Tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào kết quả của các cuộc trao đổi về Ukraine. Tường thuật nào liên quan đến cuộc xung đột hiện tại được đưa ra trong tuyên bố tầm nhìn chung sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Nếu ba tuyên bố trước đây của ASEAN về xung đột có thể là chỉ dấu, thì có thể ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy tất cả các bên xung đột ngừng giao tranh để đạt được một hiệp ước hòa bình.
Điều quan trọng nhất, ASEAN phải duy trì các kênh đối thoại cởi mở giữa các nước, kể cả ở cấp cao nhất. Khi tình hình xung đột kéo dài, ASEAN sẽ cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Trong những tuần qua, một số thành viên ASEAN bao gồm cả Thái Lan đã làm như vậy.
ASEAN khá lo lắng rằng cuộc xung đột sẽ có tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19 và tiếp tục phá vỡ sự kết nối của khu vực. Với bối cảnh khủng hoảng Myanmar vẫn còn hiện hữu, ASEAN đang tích cực thực hiện đồng thuận 5 điểm để đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này và biến nó thành một cuộc xung đột ủy nhiệm cho các siêu cường.
Trong một tuyên bố báo chí hôm 16/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN sẽ thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á. Bà nhấn mạnh, Mỹ công nhận vai trò trung tâm của khối trong việc đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực.
Tuyên bố cũng cho biết thêm, chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt việc để các thành viên ASEAN đóng vai trò là những đối tác mạnh và đáng tin cậy ở Đông Nam Á làm ưu tiên hàng đầu. Tuyên bố nhấn mạnh: “Những nguyện vọng chung của chúng tôi đối với khu vực sẽ tiếp tục củng cố cam kết chung của chúng tôi trong việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, an toàn, kết nối và kiên cường”.
Bên cạnh xung đột ở Ukraine, ASEAN còn chú ý đến các vấn đề quốc tế gây tranh cãi khác liên quan đến tương lai của nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), liên minh an ninh AUKUS (gồm Mỹ, Anh và Australia), Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cuộc khủng hoảng khí hậu, khả năng phục hồi của chuỗi sản xuất…
Gần hơn nữa là vấn đề Biển Đông, cuộc khủng hoảng Myanmar, tình hình Bán đảo Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc. ASEAN muốn đảm bảo các khuôn khổ hoặc chiến lược do Mỹ hậu thuẫn phù hợp với các định hướng của khu vực. Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) bao gồm sự can dự với các đối tác đối thoại nhằm thúc đẩy an ninh, ổn định và hòa bình cho Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
ASEAN đã xác định bốn lĩnh vực ưu tiên - hợp tác hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ và hợp tác kinh tế. Đây là một động thái quan trọng của ASEAN nhằm vận hành AOIP để tất cả các ưu tiên này có thể bổ sung cho nhau theo các cơ chế khác nhau do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN. Những phương thức khác cũng có thể được tài trợ trong các kế hoạch hành động và tuyên bố khác nhau của ASEAN.
Tại Washington, ASEAN sẽ được trao quy chế Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ, điều này sẽ thể hiện sự đánh giá cao của ASEAN đối với việc chính quyền Tổng thống Biden tăng cường can dự và cam kết với ASEAN cũng như kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa hai bên.
Hiện tại, chỉ có Trung Quốc và Australia có quy chế CSP, được cấp vào tháng 4/2021. Lần này, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ muốn thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai bên. Sự thành công của hội nghị sẽ phụ thuộc vào nguyện vọng chung về hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trong thế giới đang bị chia rẽ này.
ASEAN hoạt động như một khối với điều phối viên xử lý toàn bộ các quá trình thảo luận về thời điểm tổ chức các sự kiện cho cả 10 thành viên ASEAN, trong khi Mỹ có Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Các cơ quan đó thường không đồng bộ với nhau. Các nhân viên của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có thể nhanh chóng sắp xếp và ấn định một cuộc gặp giữa ông Obama với các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua lời mời cá nhân cho hội nghị thượng đỉnh đặc biệt đầu tiên vào tháng 2/2016.
Khi quan hệ song phương còn khá tốt đẹp, việc ấn định ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh là một việc dễ dàng. Giờ đây, hội nghị thượng đỉnh đặc biệt lần thứ hai diễn ra vào thời điểm quan trọng nhất giữa những thay đổi mạnh mẽ trên toàn cầu và một cuộc xung đột lớn ở châu Âu. Cả hai bên cần gặp gỡ trực tiếp và điều chỉnh mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN.