CÔNG AN BẠC LIÊU
Vượt qua mâu thuẫn để tăng cường quan hệ song phương
Cập nhật ngày: 13-04-2022, lượt xem: 73
Mặc dù vấp phải không ít mâu thuẫn, nhưng Mỹ và Ấn Độ đã và đang cùng nhau khắc phục để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Cuộc đối thoại đóng vai trò quan trọng

Ấn Độ và Mỹ ngày 11/4 (theo giờ địa phương) đã tổ chức Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng tại Thủ đô Washington. Tại Đối thoại, hai bên đã thảo luận về một loạt các vấn đề song phương và đa phương cùng quan tâm, trong đó có Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đối thoại 2+2 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện và toàn cầu" Ấn Độ - Mỹ.

Tại Đối thoại, hai bên đã trao đổi quan điểm thẳng thắn, sâu sắc về các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện giữa hai nước và trên toàn khu vực, đồng thời chia sẻ quan điểm về những thách thức toàn cầu. Các Bộ trưởng đã xem xét các nỗ lực chung nhằm ứng phó với các vấn đề như tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy ổn định và thịnh vượng khu vực, tuân thủ pháp quyền, tự do hàng hải hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN.

8-1.jpg -0
Các Bộ trưởng tham dự Đối thoại 2+2.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Chúng tôi đang sát cánh cùng nhau vì những cam kết chung trong việc duy trì một trật tự quốc tế tự do và dựa trên luật lệ nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập”. Các bên cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, nhằm đáp ứng những thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ, bao gồm cả ở Biển Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, quan hệ Ấn Độ - Mỹ nổi lên như một nhân tố đóng góp lớn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực.

Cùng với đó, Nhóm Bộ Tứ (Quad) đã nổi lên như một lực lượng mạnh mẽ vì lợi ích toàn cầu, bao gồm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Để tôi tóm tắt các cuộc thảo luận của chúng ta thành 3 điểm chính. Một, nó giúp xây dựng chiến lược để giảm thiểu sự biến động và khó đoán định của tình hình thế giới hiện tại. Điều này sẽ được phản ánh thông qua các chính sách của chúng tôi. Thứ hai, khuyến khích chúng tôi cùng suy nghĩ về những thách thức dài hạn, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thứ ba, nó đã tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực hợp tác của chúng tôi trong việc xây dựng một mối quan hệ song phương chủ chốt của thời đại”, ông nói.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao, Quốc phòng hai nước đều nhận định, Đối thoại 2 + 2 đã đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ song phương Ấn Độ - Mỹ, cũng như tăng cường gắn kết quốc phòng chiến lược. Hai nước có cùng quan điểm về hầu hết các vấn đề toàn cầu bao gồm chủ nghĩa khủng bố và an ninh hàng hải, việc gia tăng hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ rất quan trọng để tiếp cận các nền kinh tế toàn cầu và duy trì hòa bình và an ninh.

Trước thềm Đối thoại 2+2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden theo hình thức trực tuyến. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm sâu rộng về một số vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó bao gồm những diễn biến gần đây ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tình hình tại Ukraine. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Mỹ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho hai nước, đồng thời đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và ổn định toàn cầu.

Và những lo ngại của Mỹ

Một trong những lo lắng nhất của Mỹ là việc Ấn Độ tiếp tục mua dầu khối lượng lớn từ Nga và chấp nhận thanh toán dầu bằng đồng ruble cho Moscow, đồng nghĩa với việc dần giảm giá trị đồng USD trên toàn cầu. Theo thống kê, kể từ đầu tháng 3/2022, 5 chuyến tàu chở dầu của Nga, tương đương 6 triệu thùng, đã được vận chuyển đến Ấn Độ và bằng một nửa tổng lượng dầu Nga xuất sang Ấn Độ trong cả năm 2021. Có hai lý do chính giải thích cho điều này. Thứ nhất, về truyền thống, Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu dầu từ Iraq, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nigeria, nhưng giá dầu tại các thị trường này đang được chào bán với mức cao hơn. Thứ hai, dầu thô Urals đang được chiết khấu với mức giá kỷ lục là 20% và với giá hiện hành, Ấn Độ sẽ tiết kiệm được khoảng 20 USD mỗi thùng.

Do vậy, thật khó để Ấn Độ không tranh thủ mức chiết khấu đó trong bối cảnh nước này phải nhập khẩu từ 80-85% lượng dầu hằng năm. Tuy nhiên, do Mỹ và các nước phương Tây đã quyết định loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác là phải thanh toán cho Nga bằng đồng ruble thay vì bằng đồng USD như thường lệ. Với tỷ trọng nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga như hiện tại, điều đó sẽ không làm giảm giá trị của USD trên toàn cầu.

Tác động lớn nhất từ động thái của Ấn Độ là về khía cạnh chính trị, chiến lược. Đây được xem là biện pháp “cứu cánh” của Ấn Độ đối với Nga, trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây tìm cách sử dụng các đòn trừng phạt khiến nền kinh tế Nga bị thiệt hại nặng nề và dẫn đến cạn kiệt ngân sách phục vụ chiến dịch quân sự đang diễn ra tại Ukraine. Tác động lớn thứ hai là mở đường cho các nước khác tìm cách né trừng phạt một khi bị Mỹ và phương Tây áp đặt, bởi đây đang là lá bài được Washington “ưa chuộng”.

Tóm lại, lựa chọn của Ấn Độ phần lớn mang động cơ kinh tế và tác động lớn nhất là khiến các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây chống Nga không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.

Mỹ đã rất thất vọng khi Ấn Độ, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ không cùng chung quan điểm trong vấn đề Nga-Ukraine, cụ thể là trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và gần đây nhất là Ấn Độ tiếp tục mua dầu của Nga. Một loạt các quan chức cấp cao Mỹ đã bày tỏ quan ngại cũng như đưa ra một số cảnh báo với Ấn Độ và cho rằng nước này cần có quan điểm rõ ràng trong vấn đề Nga-Ukraine. Một mặt cho rằng Ấn Độ không vi phạm các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Nga khi mua dầu của Nga, nhưng giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh về việc Ấn Độ muốn đứng ở đâu trong giai đoạn lịch sử này với những gì đang diễn ra ở Ukraine.

Việc Ấn Độ bắt đầu mua dầu và các mặt hàng của Nga, sử dụng hệ thống thanh toán bằng đồng rupee (của Ấn Độ) và đồng ruble, không chỉ đe dọa phá hoại chiến lược trừng phạt của Mỹ mà về dài hạn còn có thể thôi thúc những nước khác giảm sự phụ thuộc vào đồng USD với tư cách đồng tiền toàn cầu được ưa thích hơn.



Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác