CÔNG AN BẠC LIÊU
Sri Lanka chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế-xã hội
Cập nhật ngày: 12-04-2022, lượt xem: 88
Các bác sĩ Sri Lanka cảnh báo tình trạng thiếu hụt thuốc men và vật tư y tế trầm trọng do khủng hoảng kinh tế có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người tại quốc gia Nam Á này hơn cả đại dịch COVID-19.

Hãng tin Guardian ngày 11/4 (giờ Hà Nội) trích dẫn bức thư được Hiệp hội Y tế Sri Lanka (SLMA) gửi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cảnh báo quốc đảo trên Ấn Độ Dương đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ, trong bối cảnh các bác sĩ không còn đủ thuốc men và vật tư y tế để cứu chữa bệnh nhân. "Chúng tôi phải đưa ra những lựa chọn rất khó khăn. Chúng tôi phải quyết định ai được điều trị và ai không. Nếu nguồn cung cấp không được phục hồi trong vài ngày, thương vong sẽ tồi tệ hơn nhiều so với COVID-19", bức thư của SLMA có đoạn.

Hơn 85% thuốc tại Sri Lanka được nhập khẩu từ nước ngoài và nhiều loại thuốc đã hết sạch trong kho dự trữ suốt một tháng qua. "Có những loại thuốc quan trọng như thuốc tim, thuốc điều trị huyết áp, đột quỵ, tất cả đều đã hết. Tôi nghe nói nhiều loại thuốc điều trị ung thư cũng không còn nên đó là tình trạng đáng lo ngại", bác sĩ tim mạch Gotabhaya Ranasinghe tại Bệnh viện Quốc gia Sri Lanka ở thủ đô Colombo, cho biết. Theo ông Ranasinghe, "mọi người có thể thấy rõ tác động của cuộc khủng hoảng lương thực và khủng hoảng nhiên liệu nhưng cuộc khủng hoảng y tế chỉ mới bắt đầu". Là một bác sĩ, tôi cảm thấy thật tồi tệ khi biết rằng mình không thể kê đơn và vì vậy mà tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa", ông Ranasinghe nói.

Sri Lanka đang trải qua đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948. Xuất phát từ tình trạng thiếu ngoại hối để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là nhiên liệu phục vụ sản xuất và dân sinh, cuộc khủng hoảng đã lan rộng từ kinh tế sang xã hội và chính trị. Tại Sri Lanka, các mặt như lương thực, xăng dầu, nhiên liệu bị thiếu hụt trầm trọng, giá cả leo thang chóng mặt. Nhiều bệnh viện tại Sri Lanka đã không thể hoạt động bình thường do điện bị cắt đến 13 giờ mỗi ngày. Vài tuần qua, người ta được nghe về nhiều tình cảnh trớ trêu tại đây, ví dụ như việc các trường học phải hoãn thi cử, báo chí dừng in vì thiếu giấy, hay câu chuyện hai người đàn ông lớn tuổi đột tử vì chờ mua nhiên liệu quá lâu dưới nắng nóng.

8-1.jpg -0
Người biểu tình tập trung bên ngoài dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở Colombo. Ảnh: CNN.

Theo Reuters, quốc đảo trên Ấn Độ Dương hiện nợ khoảng 12,55 tỷ USD dưới dạng trái phiếu chính phủ quốc tế (ISB), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ nước ngoài khoảng 35 tỷ USD tính đến năm 2021. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Trung Quốc nằm trong danh sách chủ nợ hàng đầu của Colombo. Cách đây hai tháng, quốc đảo 20 triệu dân nói rằng, họ còn hơn 2,3 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, tương đương một nửa khoản nợ khoảng 4 tỷ USD đáo hạn trong năm 2022. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi ngân hàng trung ương nước này in thêm tiền và tích trữ USD, đẩy lạm phát tăng lên mức kỷ lục 17,5% vào tháng 2/2022, theo báo New York Times. "Với một quốc gia nặng về nhập khẩu năng lượng, lương thực, hàng hóa thiết yếu và dược phẩm như Sri Lanka, mức dự trữ ngoại tệ 2,31 tỷ USD là một cơn ác mộng", Seshadri Chari, nhà phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ, nhận định.

Trước áp lực từ bất ổn lan rộng và nguy cơ biểu tình bạo lực, nhất là sau vụ ném gạch và đốt xe bus ở thủ đô Colombo, từ ngày 2/4, Tổng thống Rajapaksa áp đặt lệnh giới nghiêm và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, tình hình không những không cải thiện mà còn có dấu hiệu xấu đi. Trong hai ngày 9 và 10/4, đám đông hàng ngàn người biểu tình vẫn đổ kín các tuyến đường ở thủ đô Colombo, kêu gọi ông Rajapaksa từ chức. Họ cũng mang theo những tấm bảng biểu cho rằng ông nên ..."về nhà", ám chỉ đến việc ông Rajapaksa mang hai quốc tịch Sri Lanka và Mỹ.

Trong bước đi thiện chí giúp đỡ quốc gia láng giềng và nhằm gia tăng ảnh hưởng tại Sri Lanka, Ấn Độ mới đây tuyên bố sẽ cho Sri Lanka vay thêm một tỉ USD để nhập các mặt hàng thiết yếu như gạo, bột mì, đường và thuốc men, bên cạnh 1,5 tỉ USD đã vay trước đó. Ngoài ra, New Delhi sẽ gửi thêm hàng chục ngàn tấn gạo và dầu diesel để giúp đỡ nước láng giềng giải quyết khủng hoảng. Từ Bắc Kinh, Trung Quốc cũng cân nhắc khoản vay 2,5 tỉ USD cho Colombo. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng chừng đó viện trợ chưa thể đưa quốc đảo này ra khỏi khủng hoảng.

Giới chức Sri Lanka viện dẫn nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình hiện nay, đầu tiên là vụ tấn công khủng bố kinh hoàng năm 2019 khiến hàng trăm người chết, sau đó đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua khiến ngành du lịch - nguồn thu lớn nhất của Colombo - bị tê liệt. Thêm vào đó, chiến sự giữa Ukraine và Nga bùng phát, hay làn sóng dịch bệnh mới ở Trung Quốc đã làm gián đoạn hơn nữa chuỗi cung ứng tới nước này. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng những tình thế kể trên chỉ làm bộc lộ ra những vấn đề tồn tại nhiều năm ở Sri Lanka.

Dưới thời cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa, từ năm 2005 đến 2015, Sri Lanka đã vay số nợ khổng lồ để xây dựng những cơ sở hạ tầng hoành tráng như cảng biển. Khi ông Gotabaya, em trai ông Mahinda, chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019, Sri Lanka đang nắm giữ khoản dự trữ ngoại hối khoảng 7,5 tỉ USD và nhiều khoản nợ ngắn hạn với lãi suất cắt cổ đã được chuyển thành dài hạn. Sau đó, ông Gotabaya bổ nhiệm hai anh em là Mahinda và Basil làm Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính, đồng thời đưa nhiều nhân vật khác vào nội các. Trong những tháng kế tiếp, ông Gotabaya tuyên bố cắt giảm thuế, bước đi được nhiều người dân hoan nghênh nhưng khiến nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng và càng lún sâu vào nợ.

Năm 2021, Chính phủ Sri Lanka tiếp tục gây tranh cãi khi lệnh cấm nhập phân bón hóa học với lập luận rằng sẽ thúc đẩy canh tác hữu cơ. Động thái này được một số nhà kinh tế giải thích là một cách để giảm bớt dòng chảy ngoại tệ nhưng khiến việc sản xuất nông nghiệp nhanh chóng sụp đổ và nguồn cung lương thực thiếu hụt dẫn đến lạm phát cũng như phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Quyết định sau đó đã được đảo ngược tình thế nhưng không ngăn chặn được thiệt hại.

Một trong những nguyên nhân tiếp theo là việc chính quyền Sri Lanka nhiều tháng cương quyết không nhận hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mà chỉ dựa vào sự giúp đỡ của Ấn Độ và Trung Quốc. Nhiều ý kiến tại Sri Lanka lo ngại nước này có nguy cơ bị vỡ nợ, trong khi IMF cảnh báo quốc đảo Ấn Độ Dương cần phải tái cấu trúc nợ. Với uy tín thấp, Sri Lanka hiện còn phải mua nhiều mặt hàng như dầu và khí đốt với giá cao hơn các nước khác.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác