Interfax ngày 7/4 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Ukraine trước đó một ngày đã đệ trình một bản dự thảo thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột, nhưng các điều khoản trong văn kiện này không giống những gì Kiev cam kết tại vòng đàm phán tuần trước ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga và Ukraine dường như nhất trí rằng vấn đề Crimea phải được loại trừ khỏi thỏa thuận an ninh, song bản dự thảo của Ukraine lại cho rằng vấn đề này cần được nhắc tới tại cuộc gặp tương lai giữa Tổng thống hai nước.
"Tại cuộc họp ở Istanbul ngày 29/3, Ukraine tuyên bố rõ ràng rằng các nội dung bảo lãnh an ninh quốc tế trong tương lai đối với Ukraine sẽ không áp dụng cho Crimea và Sevastopol, nhưng trong dự thảo mới, tuyên bố này bị thiếu", Ngoại trưởng Nga nói thêm.
Ông Lavrov cũng thông tin, bản dự thảo của Ukraine còn mở đường để Kiev có thể tiến hành các cuộc tập trận với nước ngoài mà không cần nhận được sự chấp thuận của Nga. Đây là điều mà Moscow cương quyết bác bỏ.
Theo Ngoại trưởng Nga, việc Ukraine rút khỏi những cam kết do chính họ đưa ra là chỉ dấu cho thấy Kiev không còn muốn sớm chấm dứt xung đột. Phía Nga cũng coi đây là "biểu hiện" của việc chính quyền Ukraine "bị kiểm soát bởi Washington và đồng mình".
Sau vòng đàm phán trực tiếp hôm 29/3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine tuyên bố đồng ý trung lập và phi hạt nhân hóa với điều kiện được bảo lãnh an ninh bởi một số cường quốc, bao gồm Nga. Moscow tỏ ra hài lòng, sau đó rút bớt lực lượng khỏi khu vực Kiev để tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán.
Giới quan sát cho rằng sự thay đổi của Kiev trong lập trường đàm phán có thể khiến chiến dịch của Nga có những thay đổi theo chiều hướng quyết liệt hơn.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với SkyNews hôm 7/4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nói Nga đang nỗ lực chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine càng sớm càng tốt và kì vọng nó sẽ kết thúc trên bàn đàm phán giữa phái đoàn hai nước.
Theo ông Peskov, triển vọng của thỏa thuận hòa bình sẽ phụ thuộc phần lớn vào "sự nhất quán" trong lập trường của Ukraine cũng như sự sẵn sàng đồng ý của Kiev với các điều khoản của Nga.
Đại diện Điện Kremlin cũng nhắc lại quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin, khi cho rằng chiến dịch ở Ukraine là nhằm ngăn cuộc xung đột quân sự trực diện giữa Nga và NATO. Ông lập luận khả năng Kiev gia nhập NATO và muốn giành Crimea bằng vũ lực sẽ dẫn đến xung đột toàn cầu.
Nguồn: cand.com.vn