CÔNG AN BẠC LIÊU
Nam Ossetia muốn sáp nhập Nga, Điện Kremlin nói "tôn trọng" nguyện vọng
Cập nhật ngày: 1-04-2022, lượt xem: 62
Điện Kremlin nói "tôn trọng" nguyện vọng của người dân Nam Ossetia nếu họ tiến hành trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga, nhưng không nêu rõ Moscow có sẵn sàng tiếp nhận hay không.

Interfax dẫn lời lãnh đạo Nam Ossetia Anatoly Bibilov ngày 30/3 bất ngờ tuyên bố nước cộng hòa ly khai ở vùng Kavkaz này muốn tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó người dân sẽ được bày tỏ nguyện vọng về việc họ có muốn sáp nhập vào Nga hay không.

Vùng ly khai muốn sáp nhập Nga, Điện Kremlin nói
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov. Ảnh: TASS

"Hợp nhất với Nga là mục tiêu chiến lược của chúng tôi, con đường của chúng tôi và nguyện vọng của người dân. Chúng tôi sẽ đi con đường này. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi pháp lý thích hợp trong tương lai gần", ông Bibilov phát biểu ngày 30/3.

Khi được hỏi về quan điểm của Nga với động thái trên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov khẳng định, ông "không thể bày tỏ bất cứ lập trường nào" và rằng Nga đến nay "không thực hiện bất cứ hành động pháp lý hay động thái nào khác" liên quan đến khả năng sáp nhập Nam Ossetia vào Nga.

"Nhưng có thể nói rằng, về việc người dân Nam Ossetia nêu nguyện vọng của họ thì chúng tôi luôn tôn trọng điều đó", ông Peskov phát biểu.

Theo một số nguồn tin Nga, giới chức Nam Ossetia dường như đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ngay trong tháng 5 hoặc tháng 6/2022. Trong trường hợp trở thành một bộ phận của Nga, Nam Ossetia có thể hợp nhất với Bắc Ossetia, một nước cộng hòa thuộc Nga.

Nam Ossetia thuộc Gruzia sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Tuy nhiên, vùng đất này và Abkhazia vẫn quyết liệt theo đuổi con đường ly khai khỏi sự kiểm soát của chính quyền ở Tbilisi.

Năm 2008, Gruzia dưới thời Tổng thống Mikhail Saakashvili quyết định tấn công lực lượng ly khai ở Nam Ossetia, vi phạm lệnh ngừng bắn do Nga bảo trợ năm 1992, kéo theo sự can thiệp của Moscow. Chiến sự kết thúc sau 5 ngày bằng lệnh ngừng bắn do Pháp đề xuất với tổn thất nặng nề thuộc về Gruzia. Sau cuộc chiến này, Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác