Theo the Guardian, dự thảo Hiệp ước hợp tác an ninh Trung Quốc - Quần đảo Solomon hiểu một cách ngắn gọn đó là một bản thỏa thuận mang tính chất một chiều, có nghĩa là trong bản thỏa thuận đó, Trung Quốc đưa ra một loạt yêu cầu về những vấn đề hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà Chính phủ Quần đảo Solomon nhìn vào đó để trả lời là “đồng ý” hay “không đồng ý”. Mặc dù dự thảo Hiệp ước an ninh phải được Quốc hội Solomon thông qua trước khi được ký kết nhưng giới chuyên gia an ninh trong khu vực cho rằng đó chỉ là thủ tục và chắc chắn sẽ không có sự phản đối nào đối với các yêu cầu do Trung Quốc đưa ra.
Hai nước lớn trong khu vực là Australia và New Zealand đã bày tỏ quan ngại trước việc Quần đảo Solomon chuẩn bị thông qua dự thảo hiệp ước. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng, việc Trung Quốc ký Hiệp ước hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon và chuyển vũ khí cho lực lượng cảnh sát nước này điều rất đáng quan ngại.
Phát biểu trên truyền thông, bà Ạdern đặt vấn đề “liệu New Zealand có chấp nhận được hay không nếu Trung Quốc đồn trú quân sự ở Quần đảo Solomon?”. Bà Ardern cũng cho biết, New Zealand đã tiếp xúc trực tiếp với Quần đảo Solomon ở cấp lãnh đạo để bày tỏ sự quan ngại về hướng đi của Quần đảo này trong hiệp ước hợp tác an ninh trên.
Thủ tướng Australia Scott Morrison nói trên truyền thông hôm 25-3 rằng việc Trung Quốc thúc đẩy hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon làm nổi rõ lên áp lực cạnh tranh giữa các lợi ích trong khu vực và sự cạnh tranh này không phù hợp với lợi ích quốc gia Australia.
Trước phản ứng quan ngại của khu vực, Chính phủ Quần đảo Solomon đã lên tiếng “trấn an” dư luận. Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã khẳng định nước ông mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia chứ không riêng gì Trung Quốc và xem Trung Quốc cũng như Australia là hai đối tác lớn hàng đầu. Việc hợp tác, phát triển cũng như hợp tác an ninh nên mang lại lợi ích cho cả hai bên chứ không nên tạo ra sự lo ngài về an ninh cho một bên thứ ba.
Giới nghiên cứu Australia cho rằng, việc Trung Quốc ký kết Hiệp ước hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon sẽ đặt ra một số việc. Về lâu dài, hiệp ước sẽ cho phép Trung Quốc đưa khí tài quân sự đến Nam Thái Bình Dương, đặc biệt là một căn cứ hải quân sẽ được xây dựng tại Quần đảo Solomon, nằm cách Australia khoảng 2.000 km. Giới chính khách Công đảng ở Australia nhìn nhận sự việc dưới một góc nhìn khác, cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc cho thấy cạnh tranh ảnh hưởng đang bắt đầu diễn ra gay gắt và Australia đang mất dần ảnh hưởng trong khu vực. Australia là nước ký kết hiệp ước hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon sớm nhất. Một bản hiệp ước tương tự đã được ký giữa hai nước vào năm 2017.
Nhưng, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến vùng này trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Từ năm 2019, dưới sức ép mời gọi từ Trung Quốc, Quần đảo Solomon theo chân láng giềng là đảo quốc Kiribati chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc. Trung Quốc sẽ bắt đầu hiện diện và ngày càng gia tăng sự hiện diện này tại Nam Thái Bình Dương. Từ Quần đảo Solomon, trước đó là đảo quốc Kiribati, sẽ là bàn đạp để Trung Quốc từng bước mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng, các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đảo quốc nhỏ trong khu vực Nam Thái Bình Dương.
Việc này làm dấy lên làn sóng phản đối trong dân chúng, với nhiều cuộc biểu tình, bạo lực diễn ra trên đường phố. Tháng 11-2021, Australia đã cử 100 cảnh sát đến Quần đảo Solomon để hỗ trợ nước này vãn hồi trật tự nhưng đã vấp phải sự cạnh tranh của lực lượng cảnh sát Trung Quốc, vì Bắc Kinh cũng cử lực lượng đến hỗ trợ Quần đảo Solomon.
Ông Anthony Albanese, Chủ tịch Công đảng Australia bày tỏ quan ngại sâu sắc, cho rằng Australia đang tự đánh mất vị thế, tầm ảnh hưởng của mình ở Nam Thái Bình Dương do đã không hành động kịp thời về vấn đề biến đổi khí hậu - một mối bận tâm sống còn của các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Mặt khác, Australia không những không tăng viện trợ nước ngoài mà còn cắt giảm đến 12,6% trong năm tài khóa 2021-2022.
Trong khi đó, Trung Quốc với mong muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực đã không ngần ngại mở hầu bao chi tiền viện trợ bằng nhiều hình thức hoặc đầu tư xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng phục vụ chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Mới đây nhất, Trung Quốc có động thái hỗ trợ khí tài, huấn luyện kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát Quần đảo Solomon gây tranh cãi.Từ năm 2000, Quần đảo Solomon đã cấm vũ khí sát thương sau một cuộc bạo loạn sắc tộc gây thương vong lớn. Giờ đây, với lô vũ khí do Trung Quốc viện trợ cho lực lượng cảnh sát, có vẻ như Quần đảo Solomon sẽ phá bỏ lệnh cấm của chính mình đề chiều lòng “người bạn” mới?
Cuộc cạnh tranh của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương không chỉ khiến cho các quốc gia trong khu vực lo ngại, mà cả nước Mỹ cũng đang cảm thấy lợi ích, ảnh hưởng của mình trong khu vực ngày càng bị Trung Quốc xâm lấn.Giờ đây, sau khi nhìn nhận sự cạnh tranh ráo riết từ phía Trung Quốc, Washington tuyên bố sẽ mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon để bảo vệ các lợi ích tại đảo quốc này cũng như trong khu vực Nam Thái Bình Dương.
Nguồn: cand.com.vn