Giới chức Thượng Hải cho biết, thành phố lớn nhất Trung Quốc sẽ phong tỏa khu vực phía đông từ ngày 28/3 đến 1/4 (bao gồm cả sây bay quốc tế và khu tài chính). Trong khi đó, nửa phía tây của thành phố sẽ bắt đầu bị phong tỏa từ ngày 1/4 đến hết ngày 5/4. Đây được coi là biện pháp chống dịch mạnh mẽ nhất mà Thượng Hải áp dụng từ khi COVID-19 bùng phát.
Cụ thể, từ 5 giờ sáng 28/3, khu Phố Đông mới - khu vực rộng 1.200 km2 trên bờ phía đông của sông Hoàng Phố và là nơi sinh sống của khoảng 5,7 triệu người - sẽ phong tỏa trong 4 ngày và tiến hành xét nghiệm COVID-19 hàng loạt. Khu bờ tây sông Hoàng Phố sẽ bị phong tỏa trong 3 ngày sau đó.
Thượng Hải - thành phố với 25 triệu dân - từng được lấy làm hình mẫu cho những khu vực khác về công tác phòng chống dịch COVID-19, với việc chỉ ghi nhận 400 ca nhiễm và 7 ca tử vong trong vòng 2 năm kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên tại Vũ Hán.
Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 mới do chủng Omicron gây ra đang thách thức những nỗ lực chống dịch bền bỉ của Thượng Hải. Theo SCMP, tính đến 27/3, thành phố này đã ghi nhận gần 11.500 ca nhiễm COVID-19 kể từ khi đợt bùng phát mới bắt đầu hôm 1/3, với phần lớn các ca nhiễm đều không có triệu chứng.
Mặc dù thực hiện phong tỏa để chống dịch, song Thượng Hải vẫn cho phép các công ty có trụ sở ở Phố Đông được hoạt động theo cơ chế "vòng lặp khép kín" nếu thực sự cần thiết, theo đó cho phép nhân viên làm việc và sống ngay trong công ty, nhà máy.
"Người dân nên hiểu, ủng hộ và hợp tác với việc phòng và kiểm soát dịch của thành phố", Reuters dẫn lại thông báo của chính quyền Thượng Hải.
Gao Shen, một nhà phân tích độc lập tại Thượng Hải, cho biết việc phong tỏa sẽ dẫn đến "khoản chi phí kinh tế lớn vì Thượng Hải là thành phố cửa ngõ của Trung Quốc đại lục". Song, giới chức địa phương khẳng định sẽ không phong tỏa hoàn toàn Thượng Hải, vì những tác động lớn đến lợi ích kinh tế của cả Trung Quốc lẫn toàn cầu.
Nguồn: cand.com.vn