Khoảng 74% trong tổng số 11.800 chuyến bay theo lịch trình ở nước này đã bị hủy trong ngày 22/3, chủ yếu là giữa Bắc Kinh và Thượng Hải.
Lực lượng cứu hộ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm với hy vọng tìm thấy bất kỳ người sống sót nào trong số 132 người trên chiếc máy bay xấu số nói trên. Công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn khi 3 mặt khu vực máy bay rơi là núi và để tiếp cận chỉ có một con đường nhỏ. Do địa hình rừng núi phức tạp, lực lượng cứu nạn không thể triển khai máy móc hạng nặng, chủ yếu chỉ dựa vào sức người cùng máy bay không người lái để tìm kiếm.
Bên cạnh đó, khu vực huyện Đằng, nơi máy bay rơi, nhiệt độ giảm khiến trời lạnh và có mưa gió mạnh, do vậy có thể ảnh hưởng đến công tác cứu hộ tại hiện trường. Các bộ phận của chiếc Boeing 737-800 NG nằm ngổn ngang trên sườn núi bốc cháy sau vụ tai nạn. Lực lượng cứu hộ đã tìm được các mảnh vỡ của máy bay, cùng chứng minh thư, ví tiền, thẻ ngân hàng và một số vật dụng bị cháy của người bị nạn cũng như thi thể nạn nhân.
Anh Âu Linh, chính ủy Đội cứu hỏa thành phố Ngô Châu, Quảng Tây khi trả lời phỏng vấn CCTV cho biết: “Sau khi đến hiện trường, chúng tôi hỗ trợ tìm kiếm mảnh vỡ của máy bay và những người còn sống sót. Không có người nào sống sót được tìm thấy trong đội của chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy những mảnh vỡ của máy bay, những mảnh vỡ lớn của cánh máy bay và thi thể nạn nhân”. Theo dữ liệu chuyến bay, máy bay đã bị mất thông tin radar hai phút sau khi nó đột ngột lao xuống từ độ cao khoảng 8.800 mét. Mặc dù chưa có báo cáo chính thức về thương vong nhưng cơ hội sống sót của những người trên máy bay là rất thấp, theo truyền thông Trung Quốc.
Một số gia đình nạn nhân đã đến hiện trường, trong khi Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) thông báo đã chỉ định một điều tra viên cấp cao làm đại diện được ủy quyền của phía Mỹ để điều tra vụ tai nạn của chiếc Boeing 737-800 NG này. Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cũng yêu cầu tiến hành một cuộc kiểm tra toàn diện về các nguy cơ an toàn tiềm ẩn sau vụ rơi máy bay.
Trong khi đó, Boeing Trung Quốc ngày 22/3 cho biết họ đang hợp tác với Hãng hàng không Phương Đông và Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), đầu mối phụ trách các nỗ lực từ phía Mỹ trong hỗ trợ điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn đối với máy bay mang số hiệu MU5735. NTSB cho biết đã chỉ định một điều tra viên cao cấp làm đại diện phụ trách điều tra. Boeing cũng khẳng định nhóm chuyên gia kỹ thuật của hãng sẵn sàng hỗ trợ Tổng cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc trong tiến trình điều tra.
Vụ tai nạn của chiếc Boeing 737-800 NG của hãng hàng không China Eastern Airlines nói trên là khủng hoảng mới nhất đối với hãng chế tạo máy bay của Mỹ, làm dấy lên viễn cảnh nhà chức trách lại rà soát, siết chặt quy định và đẩy công ty này tới một thảm họa khác liên quan đến máy bay do Boeing chế tạo. Sẽ phải mất vài tuần, thậm chí nhiều tháng, để các điều tra viên xác định rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn. Nhưng kết quả điều tra có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới Boeing. Trong vài năm gần đây, Boeing phải đối mặt với nhiều rắc rối liên quan đến dòng máy bay 737 Max, phải trì hoãn chế tạo và chuyển giao cho khách hàng dòng máy bay thân rộng hai lối đi 787 Dreamliner.
“Tôi nghĩ rằng việc tìm hiểu rõ điều gì đã thực sự diễn ra đằng sau những sự cố, tai nạn kiểu này là cần thiết, bởi đó còn là những quan ngại về uy tín. Tôi tin rằng cộng đồng đầu tư sẽ tạm dừng đơn đặt hàng của Boeing cho đến khi có đầy đủ thông tin được công bố”, Rob Spingarn, Giám đốc điều hành Melius Research – một công ty phân tích tài chính có trụ sở tại New York, Mỹ, nhận định. Có hàng nghìn máy bay 737-800 NG đã được Boeing cho ra thị trường toàn cầu, hoạt động an toàn trong nhiều thập kỉ gần đây. Nhiều chuyên gia và giới phân tích trong ngành hàng không ngần ngại kết luận rằng vụ tai nạn với máy bay MU5737 không có lỗi liên quan đến thiết kế. Nhưng cổ phiếu của Boeing vẫn rớt giá 3,6% ngay sau khi xuất hiện thông tin về thảm kịch khiến 132 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay MU5737 thiệt mạng.
Là biểu tượng của kỉ nguyên hàng không, Boeing là hãng xuất khẩu chế tạo lớn nhất ở Mỹ, nhà tuyển dụng nhân công hàng đầu tại Mỹ, với cổ phiếu thuộc diện blue chip (có vốn hóa, ảnh hưởng lớn tới thị trường) trên sàn chứng khoán Mỹ. Boeing cũng là nhà thầu lớn nhất của chính phủ Mỹ. Năm 2021 được coi là năm thành công nhất của Boeing về doanh số tính từ năm 2018, với 535 máy bay được đặt mua. Nhưng ông lớn của ngành hàng không Mỹ này cũng gặp phải nhiều bước lùi, trong đó có khoản chi phí tăng thêm 3,5 tỉ USD trong quý 4, do trì hoãn việc giao các đơn hàng Dreamliner, khiến công ty phải chịu khoản lỗ 4,2 tỉ USD trong quý.
Ngoài những rắc rối với hai dòng máy bay Max và Dreamliner chủ lực, Boeing còn phải đối diện với khó khăn chung của ngành do tác động của đại dịch, việc di chuyển bằng đường hàng không mới chỉ hồi phục chậm, gần chạm mốc của năm 2019, các hãng cắt giảm chi tiêu mua sắm tàu bay mới.
Những rắc rối gần đây của Boeing bắt đầu với dòng 737 Max khiến hãng bị chỉ trích dữ dội sau vụ rơi máy bay tại Indonesia cuối năm 2018, kế đến là một vụ tương tự ở Ethiopia vào tháng 3/2019. Toàn bộ 346 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên hai chuyến bay này đều thiệt mạng. Máy bay Boeing 737 Max rơi vào tình cảnh “nằm bãi” trên toàn cầu sau sự cố ở Ethiopia. Hai thảm họa hàng không khơi lại những quy định về rà soát cấp phép.
Nguồn: cand.com.vn