Tuy nhiên, khi các nạn nhân mất cảnh giác, bà ta sẽ chuốc thuốc mê và giết hại họ, phi tang thi thể, sau đó tiếp tục mạo danh những người này để nhận trợ cấp xã hội. Vào tháng 3-2021, chương trình truyền hình Mỹ “Bạn cùng nhà tồi tệ nhất” đã kể lại toàn bộ quá trình gây án của nữ sát thủ tuổi trung niên này.
Quá khứ bất hạnh
Dorothea sinh ngày 1-9-1929 tại thành phố Redlands, bang California trong một gia đình không mấy hạnh phúc: cha của Dorothea là một gã nghiện rượu, thường xuyên dọa sẽ tự vẫn trước mặt các con để níu kéo vợ, còn mẹ cô bé hành nghề mại dâm và cũng rượu chè tối ngày. Năm Dorothea lên 8 tuổi, người cha qua đời vì lao phổi và chỉ 1 năm sau đó, người mẹ cũng qua đời sau một tai nạn giao thông. Do không còn ai nuôi dưỡng, Dorothea cùng các anh chị em bị đưa vào trại trẻ mồ côi. Tại đây, Dorothea liên tục bị lạm dụng tình dục và cô lập tức rời khỏi trại trẻ mồ côi khi đủ 16 tuổi.
Không bằng cấp, không nghề nghiệp lại tứ cố vô thân, Dorothea quyết định làm liều và kiếm kế sinh nhai bằng cách… hành nghề mại dâm, nhưng cô đã gặp gỡ và phải lòng một cựu chiến binh tên Fred McPaul. Hai người kết hôn năm 1945 và lần lượt sinh hai con gái trong 3 năm. Thế nhưng do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, Dorothea đã đưa một con gái đến Sacramento cho một số người quen nuôi hộ và cho đứa con thứ hai đi làm con nuôi.
Cuối năm 1948, Dorothea không may sảy thai và Fred ngay lập tức bỏ vợ, đặt dấu chấm hết cho một cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Sau đó, Dorothea bị bắt vì làm giả séc để lấy tiền tiêu pha và bị phạt 4 tháng tù. Đáng lẽ Dorothea sẽ bị quản chế tại Riverside, California trong 3 năm nhưng ngay sau khi ra tù, nữ quái đã bỏ trốn đến San Francisco.
Với mong muốn được làm lại cuộc đời, Dorothea đổi tên thành Teya Singoalla Neyaarda và bịa ra một quá khứ khác hoàn toàn. Dorothea kết hôn với một lính hải quân tên Axel Bren Johansson năm 1952, nhưng cuộc hôn nhân này cũng sớm rạn nứt do Dorothea nghiện rượu, thường xuyên cặp kè với người khác khi chồng vắng nhà và thậm chí còn nướng sạch tiền tiết kiệm của Axel vào bài bạc. Cô ta bị bắt giữ lần thứ 2 năm 1960 và bị kết án 3 tháng tù sau khi cảnh sát phát hiện ra “công ty kiểm toán” của cô ta thực ra là một… ổ mại dâm.
Sau khi ra tù, nếp sống của cô ta càng lúc càng sa đọa và Axel buộc phải đưa vợ vào viện tâm thần do Dorothea nhiều lần định tự sát khi say rượu. Tại bệnh viện tâm thần DeWitt, các bác sĩ nhận định cô ta bị rối loạn nhân cách trầm trọng, hậu quả là Dorothea không có khả năng hối cải và kiềm chế.
Axel và Dorothea ly dị năm 1966 sau 14 năm bên nhau. Dorothea đổi tên thành Sharon Johansson, đội lốt một phụ nữ hiền lành, tốt bụng, sùng đạo. Sau khi lấy lòng được bà con lối xóm, cô ta bắt đầu tuyên bố mình sẽ mở rộng cửa chào đón những người phụ nữ nghèo khó và bị lạm dụng mà không hề lấy của họ một đồng nào. Thực ra, đây chỉ một âm mưu của Dorothea – cô ta sẽ nhắm vào những phụ nữ yếu thế và “nhận hộ” tiền trợ cấp xã hội của họ khi tiền được gửi đến nhà của cô ta. Đa số các nạn nhân đều rất cần chỗ ở, nên họ không bao giờ dám lên tiếng chống lại Dorothea.
Nữ quái tạm thời “rửa tay gác kiếm” năm 1968 sau khi gặp gỡ và kết hôn với một người đàn ông tên Roberto Jose Puente, nhưng cuộc hôn nhân cũng tan vỡ sau 1 năm vì Roberto là một người đàn ông bạo lực, liên tục đánh đập vợ. Hai người hoàn tất thủ tục ly hôn vào năm 1973 vì Roberto bỏ trốn đến tận Mexico để né tránh trả tiền trợ cấp cho vợ cũ, tuy nhiên hai bên vẫn qua lại đến năm 1975. Dorothea tiếp tục sử dụng họ của người chồng cũ này đến khi qua đời.
chuỗi tội ác ghê rợn
Năm 1970, sau khi Roberto bỏ đi, Dorothea lại tiếp tục kiếm kế sinh nhai bằng cách trục lợi từ những người tứ cố vô thân. Bà ta mở một cơ sở tạm trú tại Sacramento và xây dựng hình ảnh bằng cách liên tục tham gia vào những hoạt động từ thiện địa phương như hỗ trợ người vô gia cư đăng kí số an sinh xã hội, cho mượn nhà để tổ chức các buổi trị liệu nhóm cho người nghiện rượu và bệnh nhân tâm thần. Dorothea cũng có mặt tại hàng loạt buổi gây quỹ, trao học bổng và các chương trình phát thanh của khu dân cư. Ngoài ra, người phụ nữ 41 tuổi cũng cải trang thành một bà lão bé nhỏ, vô hại bằng cách nhuộm tóc bạc, đeo kính lão, mặc quần áo người già. Dần dần, người dân địa phương bắt đầu yêu quý “bà cụ” vui tính, hoạt ngôn và nhiệt tình với các hoạt động thiện nguyện. Thế nhưng Dorothea không qua mắt nổi cảnh sát và bị bắt giữ năm 1978 do cưỡng đoạt tiền trợ cấp của những người bà ta cho ở nhờ. Tuy không phải lãnh án tù, Dorothea bị quản chế 5 năm và phải đền bù 4.000 USD.
4 năm sau, Dorothea kết bạn và cho một người phụ nữ 53 tuổi tên Ruth Munroe tạm trú tại nhà mình. Hai bên sớm trở nên vô cùng thân thiết đến mức Ruth từng yêu cầu các cháu mình gọi Dorothea là bà. Ruth qua đời vài tháng sau khi ở cùng Dorothea do dùng quá liều thuốc giảm đau. Cho dù con cháu nạn nhân cho biết bà Ruth không bao giờ đụng đến những loại thuốc này, nhưng Dorothea khăng khăng người bạn thân đã tự tử do chồng vừa qua đời và cảnh sát đã tin lời bà ta, không tra vấn gì thêm.
Chỉ vài tuần sau đó, cảnh sát địa phương lại phải quay lại ngôi nhà của Dorothea khi ông Malcolm McKenzie, 74 tuổi, cáo buộc bà ta đã chuốc thuốc và lấy cắp tiền của ông. Lần này, do cảnh sát đã thu thập được đầy đủ bằng chứng, Dorothea đã phải nhận tội và phải nhận án tù 5 năm. Trong thời gian ở tù, Dorothea đăng kí tham gia một chương trình kết bạn qua thư và làm quen với một người đàn ông 77 tuổi tên Everson Gillmouth ở bang Oregon. Dorothea được ân xá năm 1985 và Everson đón người tình ở cổng trại, đi một chiếc xe ô tô hiệu Ford 1980 mới tinh. Mối quan hệ của hai người tiến triển rất nhanh và chỉ vài tuần sau đó, ông Everson đã lên kế hoạch cưới Dorothea nhưng Dorothea kể với bạn bè và người quen rằng Everson đột ngột chia tay bà ta và quay về Oregon sinh sống.
Tháng 11 năm đó, Dorothea thuê ông Ismael Florez lát lại sàn gỗ tại nhà bà ta và đóng một chiếc thùng to để đựng một số đồ phế thải. Sau đó, Dorothea trả công cho ông Ismael bằng chiếc xe Ford 1980 và nói với ông rằng chiếc xe này là của bạn trai Dorothea nhưng người bạn trai hiện đang sống ở Los Angeles và không có nhu cầu sử dụng xe nữa. Cuối cùng, Dorothea nhờ ông Ismael đem vứt chiếc thùng đã chất đầy đồ và được đóng kín kia đi. Ismael đồng ý và chở đến một bãi rác ở bờ sông địa phương. Vào tháng 1-1986, một ngư dân tình cờ tìm thấy chiếc thùng và sinh nghi khi nhận thấy thùng bốc mùi khó chịu nên đã gọi cảnh sát. Cơ quan chức năng phát hiện ra thùng chứa thi thể của một người đàn ông cao tuổi, đã phân hủy đến mức không thể nhận dạng được nữa. Trong khi đó, Dorothea tiếp tục nhận tiền trợ cấp của ông Everson do nạn nhân đăng kí địa chỉ tạm trú tại nhà bà ta và mạo danh ông Everson để viết thư cho người nhà của ông, giải thích rằng ông quá ốm yếu và không thể quay về Oregon. 3 năm sau, thi thể ông Everson mới được nhận dạng.
Lúc này, nhiều nhân viên công tác xã hội bắt đầu truyền tai nhau về một người phụ nữ tốt bụng tên Dorothea luôn sẵn sàng giúp đỡ những người vô gia cư, nghiện rượu và ma túy, thậm chí tâm thần… và nhờ đó, Dorothea đã nhận tới 40 người vào nhà mình trong vài năm. Lợi dụng tình trạng khó khăn của các nạn nhân, bà ta dụ dỗ họ đăng kí nhận tiền trợ cấp tại nhà mình. Sau đó, Dorothea sẽ tự ý nhận tiền trợ cấp hộ họ, chia cho họ một khoản nhỏ nhoi và tha hồ đút túi phần còn lại. Do một số nạn nhân đã lên tiếng, cơ quan công tác xã hội đã triệu tập Dorothea 15 lần, thế nhưng họ chỉ khuyến cáo bà ta không được nhận tiền trợ cấp hộ người khác và không nên cho người lớn tuổi ở lại nhà mình chứ không hề có động thái can ngăn người phụ nữ hiểm độc này.
Lật mặt kẻ thủ ác
Hàng xóm bắt đầu nghi ngờ Dorothea sau khi chứng kiến một loạt hành động kì lạ của một người đàn ông vô gia cư và nghiện rượu có biệt danh Chief mà Dorothea thuê giúp việc. Theo như lời kể của một số người hàng xóm, Dorothea yêu cầu ông Chief liên tục đào hố trong tầng hầm, phá gara và tráng một lớp xi măng mới lên sàn gara cũ. Sau khi hoàn thành những công việc này, Chief biến mất một cách bí ẩn.
Phải đến tận tháng 11-1988, cảnh sát mới để mắt đến Dorothea khi một người vô gia cư mắc bệnh tâm thần tên Alvaro Montoya biến mất sau khi được Dorothea nhận vào ở nhờ. Khác với những nạn nhân trước đó của bà ta, ông Alvaro có một người bạn thân thiết là cô Judy Moise – một nhân viên công tác xã hội. Sau khi không liên lạc được với ông Alvaro, cô Judy gọi điện cho Dorothea và bà ta giải thích rằng ông Alvaro đã… đi nghỉ mát. Cô Judy không tin tưởng lời giải thích vô lý này, và đã báo cảnh sát. Dorothea vẫn tiếp tục nói dối rằng Alvaro đã đi du lịch kể khi cảnh sát đã đến tận nhà bà ta tra hỏi và một người khác đang trú nhờ nhà bà ta là ông John Sharp cũng làm chứng cho Dorothea. Tuy nhiên, khi các điều tra viên chuẩn bị rời đi, John đã bí mật khai với họ rằng Dorothea đã ép ông ta nói dối.
Cảnh sát lại tiếp tục lục soát căn nhà lần 2 và khi không tìm thấy gì, họ chợt nhận ra khu vườn của Dorothea đã bị đào bới và lấp lại lộn xộn, còn sàn gara của bà ta lại mới được tráng một lớp xi măng. Họ quyết định đào lại khu vườn và Dorothea đồng ý, thậm chí còn cho các điều tra viên mượn vài cái xẻng. Trong lúc mọi người đang tiến hành khám xét nền gara cũ, Dorothea xin phép đi mua một cốc cà phê và do bà ta vẫn chưa bị tính là nghi phạm, cảnh sát đã đồng ý. Nhân cơ hội này, bà ta lập tức bỏ trốn đến Los Angeles. Lúc này, cảnh sát đã phát hiện ra tới 9 thi thể dưới sân nhà Dorothea và phát lệnh truy nã sát thủ. Tại Los Angeles, bà ta đến gặp một người bạn mới quen nhưng người này đã xem tin tức trên truyền hình về tội ác của Dorothea, lập tức báo cảnh sát và Dorothea bị bắt.
Nữ quái bị truy tố tội sát hại 9 nạn nhân vô tội, tuổi từ 51 đến 78. Theo như các điều tra viên, bà ta chuốc thuốc nạn nhân mỗi ngày cho đến khi họ bị sốc thuốc và thiệt mạng, hoặc bà ta sẽ bỏ thuốc ngủ và siết cổ người xấu số. Sau đó, bà ta sẽ bỏ xác nạn nhân vào bao ni lông để ngăn mùi hôi thối rồi chôn trong sân.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho Dorothea khẳng định tuổi thơ bất hạnh cùng hàng loạt những cuộc hôn nhân đổ vỡ và mất mát trong cuộc đời, cũng như gánh nặng phải chăm sóc cho những người vô gia cư đã biến Dorothea thành một người phụ nữ máu lạnh.
Bên cạnh đó, các luật sư khẳng định Dorothea từng là một người ân cần và lương thiện bằng cách triệu tập hàng loạt những người từng được bà ta giúp đỡ và cả 2 cô con gái từng được bà ta cho làm con nuôi. Thế nhưng, công tố viên lại chỉ ra sự thật rằng bà ta đã liên tục trục lợi từ những người bất hạnh, cướp đi khoản trợ cấp ít ỏi của họ và sát hại khi họ đã hết giá trị hoặc có ý chống đối bà ta.
Những bằng chứng của cả hai bên đã khiến bồi thẩm đoàn phải suy nghĩ tới 1 tháng để đưa ra phán quyết cuối cùng: Dorothea phải nhận án chung thân và sẽ không bao giờ được ân xá. Trong suốt những năm cuối đời, Dorothea vẫn liên tiếp kêu oan và thề thốt rằng tất cả những nạn nhân của bà ta đều qua đời vì mắc bệnh. Nữ sát thủ qua đời trong tù vào ngày 27-3-2011 ở tuổi 82.
Nguồn: cand.com.vn