CÔNG AN BẠC LIÊU
Mồi lửa căng thẳng khu vực
Cập nhật ngày: 16-03-2022, lượt xem: 56
Một loạt tên lửa rơi xuống khu vực gần Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Erbil, miền Bắc Iraq vào sớm 13-3 đang gây chú ý trong cộng đồng quan sát quốc tế bởi tính chất nhạy cảm của vụ việc xảy ra trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine vẫn đang ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo thông tin báo chí, có tất cả 12 quả tên lửa rơi xuống thành phố Erbil, tại khu vực gần Lãnh sự quán Mỹ. Nhân chứng tại hiện trường cho biết các tên lửa được phóng về phía Lãnh sự quán Mỹ nhưng không quả nào bay đến được khu nhà Lãnh sự quán. Không có báo cáo thương vong trong vụ việc này.

Mồi lửa căng thẳng khu vực -0
Một tòa nhà bị hư hại trong vụ tấn công tên lửa ở Erbil

Tòa Lãnh sự quán Mỹ ở Erbil được xây mới, đang trong quá trình hoàn công nên không có người ở. Tuy nhiên, một số tòa nhà gần đó bị thiệt hại nhỏ, như tòa nhà của kênh truyền hình Kurdistan24. Thống đốc Erbil Omid Khoshnaw cho rằng các quả tên lửa nhắm vào Lãnh sự quán Mỹ và sân bay nhỏ gần đó vốn từng là căn cứ của quân Mỹ và Iraq chống IS.

Điều tra ban đầu đã xác định tên lửa được bắn đến thành phố Erbil là loại tên lửa Fateh-110 do Iran sản xuất. Giới chức an ninh khu tự trị người Kurd cũng xác nhận tên lửa được phóng từ lãnh thổ Iran. Vài giờ sau khi vụ việc được báo chí đưa tin, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã lên tiếng nhận trách nhiệm phóng tên lửa. IRGC viết trên Website của mình rằng tên lửa được bắn đến khu vực gần Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Erbil bởi khu vực này có mục tiêu của Israel và rằng việc phóng tên lửa hướng về phía Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Erbil là hành động nhằm trả đũa cho việc Israel tấn công giết chết 2 tay súng của IRGC ở gần Damascus, Syria cách đây vài hôm.

Phát biểu trên truyền hình Iraq, tướng thủy quân lục chiến Frank McKenzie cho biết từ ngày 31-12-2021, phần lớn lực lượng Mỹ đã rút khỏi Iraq, số còn lại cũng đã chuyển sang phi tác chiến, thực hiện các nhiệm vụ công binh, hỗ trợ quân đội Iraq về kỹ thuật quân sự,... Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq từ lâu đã trở thành vấn đề gây dư luận phản đối trong các tổ chứdc Hồi giáo ở Iraq và Iran. Vì vậy, mặc dù không còn tham gia chiến đấu nhưng quân Mỹ vẫn là mục tiêu tấn công của các lực lương địa phương. Ông McKenzie cho biết thêm, Iran có lẽ cũng không muốn gây thương vong nên các quả tên lửa không nhắm chính xác mục tiêu.

Một số nhà bình luận đánh giá biệc Iran bắn tên lửa về phía Lãnh sự quán Mỹ không chỉ nhằm mục tiêu trả đũa Israel, mà còn đặt ra một vấn đề khác trong quan hệ Mỹ-Iran giai đoạn hiện nay. Thông điệp của Iran qua việc phóng 12 quả tên lửa chính là đối đầu Iran-Mỹ hiện tại vẫn chưa chấm dứt. Người Mỹ vẫn chưa từ bỏ thái độ thù địch với Iran, cũng như các lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran vẫn chưa được dỡ bỏ.

Trong khi đó, tiến trình đàm phán tại Vienna để giúp Iran và Mỹ quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân đang rơi vào trạng thái “ngủ đông” sau khi Nga đưa ra yêu sách Mỹ phải miễn áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với các giao dịch kinh tế giữa Nga với Iran trong khuôn khổ Thỏa thuận hạt nhân. Đây là yêu sách không thể được chấp nhận đối với Mỹ và các đối tác phương Tây, vì vậy tiến trình đàm phán phải tạm dừng vô thời hạn. Đây có lẽ là vấn đề khó nhất đối với Tổng thống Mỹ Biden trong chính sách đối ngoại. Tất cả đã trở nên quá khó đối với Tổng thống Biden kể từ khi nước Nga đưa quân sang Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Mọi toan tính, dự báo ban đầu trong chính sách đối ngoại của ông Biden dường như đã trở nên vô nghĩa hoặc phải điều chỉnh lại cho phù hợp tình hình mới.

Riêng với Iran, từ khi lên nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Biden đã triển khai một chính sách đối ngoại hoàn toàn mới so với thời ông Doanld Trump. Ông chủ trương đối thoại với Iran để tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa hai bên trong nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là vấn đề Thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký kết năm 2015. Tuy nhiên, một mặt tuyên bố sẵn sàng đối thoại, đàm phán với Iran, mặt khác Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các lệnh cấm vận và những hành động đụng độ trong vùng biển Persic, quanh eo biển Hormus. “Thái độ thù địch” là một trong những vấn đề mấu chốt trong các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ về Thỏa thuận hạt nhân, trong đó Iran luôn yêu cầu Mỹ từ bỏ “thái độ thù địch”, dỡ bỏ cấm vận để thể hiện thiện chí cải thiện quan hệ hai nước.

Bên cạnh đó, Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực Trung Đông thường xuyên có những hành động đối đầu căng thẳng với Iran. Trong năm qua, Israel và Iran đã có những cuộc tấn công qua lại các mục tiêu của nhau trên lãnh thổ cũng như tại các nước trung gian như Syria, Iraq,... Israel và Iran luôn xem nhau là “kẻ thù truyền kiếp”. Israel luôn tìm đủ mọi cách để xóa sổ cho bằng được các lò phản ứng hạt nhân của Iran vì lo ngại chúng có thể phục vụ cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Và, cũng chính Israel là nước phản đối Thỏa thuận hạt nhân Iran quyết liệt nhất. Cho nên, việc tiến trình đàm phán Vienna bị “đóng băng” do yêu sách của Nga được Israel ủng hộ và hết sức hoan nghênh.

Cũng trong ngày 13-3, Iran đã quyết định đình chỉ các vòng đàm phán song phương với Saudi Arabia về cải thiện quan hệ hai nước, dự kiến sẽ được tổ chức tại Baghdad, Iraq vào ngày 16-3 tới. Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein cho biết, các vòng đàm phán đã phải tạm dừng do một số vấn đề kỹ thuật trong đàm phán.

Các vòng đàm phán giữa Iran và Saudi Arabia được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm căng thẳng trong khu vực. Hai bên đã tiến hành đàm phán 11 tháng qua, với nhiều kết quả đã đạt được. Đây là vòng đàm phán cuối cùng trước khi hai bên ký kết thỏa thuận, theo đó Saudi Arabia dỡ bỏ cấm vận, còn Iran cũng chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân.




Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác