CÔNG AN BẠC LIÊU
Sự thoái trào của một cựu vương
Cập nhật ngày: 15-03-2022, lượt xem: 61
Juan Carlos Alfonso Victor María de Borbón y Borbón-Dos Sicilias lên ngôi ngày 22-11-1975 và trở thành vị vua Tây Ban Nha đầu tiên sau 44 năm đất nước này đi theo chế độ Cộng hòa. Ông đã dìu dắt quốc gia thoát ra khỏi “cái bóng” của nhà độc tài khét tiếng Francisco Franco.

Khi Juan Carlos I nhường ngôi cho con là vua Felipe VI, nhiều người đã nghĩ rằng ông sẽ hưởng những ngày tháng cuối đời trong sự tĩnh lặng. Vậy mà đã gần hai năm nay vị cựu vương phải chịu cảnh sống lưu vong. Liệu đã sắp tới ngày ông được trở lại quê hương?

Scandal “nối chân” scandal

Khi thông tin về việc vua Juan Carlos I “cặp kè” với nữ doanh nhân người Đan Mạch Corinna zu Sayn-Wittgenstein-Sayn bị lộ ra với báo chí thế giới vào năm 2012, nhiều người không khỏi sửng sốt. Họ cảm thấy thật bất ngờ vì nhà vua và cô nhân tình đã yêu nhau từ năm 2004 mà công luận không hề biết gì. Họ chỉ biết bà Corinna là cố vấn tài chính của thân vương phi Charlene, vợ thân vương Monaco Albert II. Người chồng trước của người nữ doanh nhân là thân vương một tiểu vương quốc ở Đức. Nhờ vào ông này mà bà ta có cơ hội được “gia nhập” giới quý tộc châu Âu.

Câu chuyện tình lộ ra sau khi vua Juan Carlos I chịu thương tích trong một cuộc đi săn voi tại Botswana, châu Phi. Cuộc săn được tổ chức tại dinh thự riêng của Công tước xứ Westminster, tỷ phú -  doanh nhân Hugh Grosvenor. Quan trọng hơn, toàn bộ chi phí 40.000 bảng Anh của cuộc đi săn đều được cố vấn cao cấp của gia đình hoàng gia Arab Saudi là ông Mohammed Eyad Kayali trả. Chưa hết, trong khi nằm trong bệnh viện chữa trị vết thương, vua Juan Carlos I còn chuyển vào nhiều tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ và Anh tổng số tiền 65 triệu euro. Cảnh sát đã lần theo số tiền này đến… bà Corinna.

Sự thoái trào của một cựu vương -0
Cựu vương Juan Carlos khi đang sống lưu vong.

Cuộc điều tra bà Corinna diễn ra trong bí mật một vài năm trước khi trở thành tâm điểm chú ý của báo chí Tây Ban Nha. Băng ghi âm một cuộc trò chuyện giữa bà Corinna và cảnh sát bị lộ ra ngoài. Theo bà Corinna thì vua Juan Carlos I đã sử dụng quyền lực của mình để thao túng dự án xây dựng đường ray tàu điện tốc độ cao nối hai thành phố thánh Mecca và Medina tại Arab Saudi với nhau. Nhờ nhà vua mà phía Arab Saudi đã mua 36 chiếc tàu Talgo 350 do công ty nhà nước Talgo của Tây Ban Nha sản xuất. Đổi lại, nhà vua nhận được một số tiền hoa hồng không hề nhỏ. Số tiền 65 triệu euro trên là khoản thưởng bà Corinna đã làm “cầu nối” giữa hai bên.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Tờ Daily Telegraph của Anh trích lời bà Corinna trong đoạn băng như sau: “Chúng tôi không còn yêu nhau nữa. Cho dù là tiền hay những bất động sản mà ông ấy mua rồi cho đứng tên con trai tôi. Juan Carlos chỉ cần có hai điều. Thứ nhất, ông ấy cần tôi, một công dân Monaco, giúp ông ta lấy luật pháp Monaco làm bình phong để trốn thuế. Bởi lẽ, Monaco “khét tiếng” vì có luật pháp rất “nhẹ nhàng” đối với những đối tượng trốn thuế ngoại quốc đem gửi tiền hoặc đầu tư ở nước họ. Thứ hai, Juan Carlos cần tôi giữ im lặng… Tình báo Tây Ban Nha từng đe dọa sẽ thủ tiêu mẹ con tôi nếu để lộ ra bất kỳ thông tin nào!”

Chỉ qua một đêm mà công luận Tây Ban Nha “nổi cơn sóng thần”. Các tờ báo đồng loạt đưa tin về sự việc kèm những lời chỉ trích từ dư luận. Nhiều chính trị gia lớn tiếng trước Quốc hội đòi phải mở ngay cuộc điều tra. Đại biểu Quốc hội và tổng thư ký Đảng Cộng sản Tây Ban Nha Enrique Santiago phát biểu: “Vụ tham nhũng này là triệu chứng không chỉ cho thấy sự yếu kém trong bộ máy tự giám sát của Tây Ban Nha. Nó còn cho thấy đằng sau những tuyên ngôn về tôn trọng nền dân chủ và luật pháp, hoàng gia Tây Ban Nha vẫn đang tiếp tục tự làm giàu bằng cách coi nhà nước như “sân sau” của mình”.

Một thời gian ngắn sau đó, ngành kiểm sát Tây Ban Nha còn tiếp tục phát hiện tên của nhà vua Felipe VI trong danh sách những người hưởng lợi từ một quỹ mang tên Lucum. Người đóng góp nhiều nhất cho quỹ Lucum là cố vương Abdullah của Arab Saudi với số tiền đóng góp lên tới 65 triệu euro. Chưa hết, các thành viên trong gia đình hoàng gia trong nhiều năm liền có số dư thẻ tín dụng luôn trên mức 120.000 Bảng Anh. Hiện chỉ có một cá nhân bị cảnh sát điều tra ra đã trả nợ cho số thẻ tín dụng này. Người đó là nhà triệu phú đầu tư Mexico Allen Sanginés-Krause. Ông ta trả nợ thông qua người thứ ba là đại tá không quân Tây Ban Nha Nicolás Murga Mendoza.

Sự thoái trào của một cựu vương -0
Khách sạn Emirates Palace nơi vị cựu vương sống.

Trốn chạy và lưu vong

Juan Carlos I bất ngờ tuyên bố sẽ sống lưu vong giữa lúc tòa án đang điều tra về một vụ tham nhũng khác rằng, liệu có phải nhà vua từng nhận va li chứa 5 triệu euro từ nguyên Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev không? Đến lúc thông báo đến được tay báo chí thì nhà vua đã rời khỏi biên giới Tây Ban Nha rồi. Gia đình hoàng gia từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến nơi ở của cựu vương. Báo chí Tây Ban Nha được dịp đồn đoán nào là ông đang ở Pháp, Bồ Đào Nha, Ý, hoặc Dominica, v.v...

Cuối cùng trước sức ép của công luận, văn phòng hoàng tộc Tây Ban Nha phải nói ra sự thật: Juan Carlos I hiện sống tại khách sạn Emirates Palace ở Abu Dhabi. Họ cũng thông báo rằng, vua Felipe VI sẽ từ bỏ mọi quyền thừa kế tài sản được cha mình để lại. Mặt khác Juan Carlos I cũng sẽ không còn được nhận 200.000 bảng Anh tiền trích từ ngân sách hằng năm dành cho mỗi thành viên hoàng tộc.

Sự thoái trào của một cựu vương -0
Cựu vương Juan Carlos I cùng con trai, nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI.

Từ Abu Dahbi, vua Juan Carlos I tiếp tục phủ nhận tội danh của mình, đồng thời yêu cầu được cho phép trở về Tây Ban Nha mà không phải chịu bất kỳ sự khởi tố nào. Tờ báo Daily Telegraph của Anh đã theo sát vụ việc và cho biết vào khoảng tháng 10-2021, dường như giữa các bên đã đạt được thỏa thuận xoá mọi cáo buộc đối với nhà vua, mở đường cho ông trở về Tây Ban Nha. Thông tin này đã gây ra phản ứng dữ dội trong công chúng Tây Ban Nha. Tổng Chưởng lý nước này sau đó đã tuyên bố sẽ dành thêm sáu tháng để điều tra kỹ vụ việc trước khi đưa ra quyết định.

Phong trào Cộng hòa ở Tây Ban Nha giống như được “thêm lông thêm cánh”. Theo các cuộc thăm dò của báo chí Tây Ban Nha, số người ủng hộ việc phế vị nhà vua và lật đổ ngai vàng đã tăng từ 41,3% lên 57,5%. Một số cuộc biểu tình đòi trở lại chế độ cộng hòa đã nổ ra ở các thành phố lớn như Valencia. Phong trào đặc biệt nhận được nhiều sự ủng hộ từ vùng Catalonia vốn có lịch sử đau thương vì cố gắng ly khai dưới thời Franco.

Hồi kết của một cựu vương

Vị cựu vương đã nhận được một thắng lợi khi vào tháng 12 năm ngoái, Viện Kiểm sát Geneva, Thụy Sỹ tuyên bố từ bỏ việc điều tra tài khoản ngân hàng của ông. Công chúng còn chưa hết xôn xao thì phía vua Felipe VI tuyên bố sẽ cho phép vua cha trở lại nước nhà theo định kỳ để thăm gia đình. Trong những chuyến viếng thăm này, cựu vương sẽ trú tại cung điện Zaruza nằm ở ngoại ô Madrid. Tuy vậy, Juan Carlos I vẫn sẽ tiếp tục sống lưu vong tại Abu Dhabi.

Quyết định này vấp phải phản ứng dữ dội từ quần chúng. Tờ điện tử Público đăng dòng tít: “Phải chăng ngai vàng đứng trên luật pháp?”. Các chính trị gia cánh tả lẫn cánh hữu đều hối thúc nhà vua xem xét lại quyết định vì thiếu tính hợp pháp và gây tổn hại đến thanh danh hoàng gia. Trong bối cảnh Tây Ban Nha đang dần gỡ bỏ các quy định phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều nhà quan sát đang nghĩ tới khả năng sẽ nổ ra biểu tình phản đối ngai vàng.

Sự thoái trào của một cựu vương -0
Một bức ảnh hiếm hoi chụp chung vua Juan Carlos và bà Corinna zu Sayn-Wittgenstein-Sayn.

Một quan chức giấu tên nhận xét: “Kể cả trước khi vua Juan Carlos I lên ngôi đã có nhiều người Tây Ban Nha tỏ ý không muốn khôi phục ngai vàng mà tiếp tục chế độ cộng hòa. Nhiều người trong số đó không công khai đứng lên phản đối chỉ vì nhà vua đã nhiều lần tỏ sự quyết tâm của mình trong việc duy trì và phát triển nền dân chủ nước nhà. Vụ tham nhũng thật chẳng khác gì nhà vua đã phá bỏ “khế ước” với nhân dân. Trong tương lai gần ít có khả năng ngai vàng bị phế bỏ. Nhưng niềm tin của người dân đối với chế độ quân chủ lập hiến đã yếu đi nghiêm trọng. Nền chính trị - xã hội Tây Ban Nha chắc chắc từ việc này mà còn xảy ra nhiều bất ổn nữa!”.

Juan Carlos I không phải vị vua duy nhất “dính” vào scandal tài chính gần đây. Hồi giữa năm ngoái, dư luận Jordan xôn xao vì thông tin vua Abdullah II sở hữu không dưới 100 triệu USD các loại bất động sản cao cấp ở Mỹ và Anh. Vào thời điểm đó, nền kinh tế Jordan đang ngập chìm trong khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp đạt 19,06%, và đất nước phải sống bằng tiền viện trợ của Mỹ.

Đáng quan ngại hơn, số bất động sản nói trên đều thuộc quyền sở hữu của một loạt công ty “ma”. Vợ vua Abdullah II là hoàng hậu Rania cũng từng bị cáo buộc biển thủ quỹ công.




Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác