Thách thức
Quy định phòng dịch tại nhiều nước đã khiến lượng hàng quốc tế tồn đọng ngày càng lớn, đặc biệt là từ khi xuất hiện các biến thể nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh như Delta hay Omicron. Trả lời phỏng vấn hãng CNBC, ông Per Hong - đối tác cấp cao của Công ty tư vấn Kearney - cho biết Omicron là “một phép thử đối với khả năng phục hồi” của các chuỗi cung ứng vốn đang chịu nhiều sức ép. Ông nói: “Trung Quốc dự kiến sẽ kiểm soát gắt gao hơn. Theo đó, nước này có thể sẽ đóng cửa hàng loạt thành phố, thực thi khâu kiểm dịch nghiêm ngặt tại các cảng, giám sát chặt chẽ tàu và hàng hóa để ngăn chặn các trường hợp xâm nhập".
Theo công ty phân tích kinh tế Oxford Economics, trong năm 2021, chỉ chưa đến 50% chuyến tàu chở hàng trên thế giới cập bến đúng giờ. Thời gian chậm trễ cũng kéo dài tới hơn 1 tuần, trong khi ở các năm 2018 và 2019, con số này là khoảng 4 ngày. Oxford Economics dự báo nếu xâm nhập vào chuỗi cung ứng, biến thể Omicron có thể làm giảm 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á trong năm 2022.
Ông Hong cho rằng việc một nước áp đặt lệnh phong tỏa sẽ có tác động trực tiếp đến cả hàng hóa đầu vào và đầu ra của các nước khác. Ông nói: “Nếu tái áp đặt lệnh đóng cửa biên giới, không những khâu vận chuyển sẽ bị hạn chế, mà chắc chắn các thành phần sản xuất cũng thiếu hụt nghiêm trọng hơn. Đồng thời, lượng đơn đặt hàng tồn đọng sẽ ngày càng chồng chất, đặc biệt là hàng điện tử, ô tô và một số mặt hàng thiết yếu khác".
Công nghiệp là một trong số những ngành có chuỗi cung ứng chịu thiệt hại nặng nề nhất do COVID-19. Một khảo sát của Công ty kiểm toán EY cho thấy hầu hết (97%) các công ty sản xuất hàng công nghiệp khẳng định đại dịch có ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, 47% công ty được hỏi cho rằng COVID-19 đã làm suy giảm lực lượng lao động của họ. Trong khi nhân viên của một số lĩnh vực khác có thể làm việc tại nhà thì lực lượng làm việc trong chuỗi cung ứng - đặc biệt là ở nhà máy - phải thích nghi với các yêu cầu giữ khoảng cách, truy vết tiếp xúc và tăng cường trang bị đồ bảo hộ cá nhân. Bà Sian Fenner - chuyên gia kinh tế châu Á tại Công ty tư vấn tài chính Oxford Economics - nói: “Ngay cả khi khâu sản xuất chuyển sang trực tuyến thì vẫn còn nhiều thách thức về hậu cần, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Đó là chưa kể những hạn chế về nguồn cung vận tải trong ngắn hạn".
Theo Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS), tính đến tháng 8-2021, đã có 4,3 triệu công nhân nước này bỏ việc. Mức sụt giảm này tương đương 3% lực lượng lao động Mỹ, khiến lực lượng tài xế xe tải và công nhân phụ trách kho hàng bị thiếu hụt trầm trọng. Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ban bố Sắc lệnh điều hành 14005 nhằm tăng cường chuỗi cung ứng trong nước, các vấn đề về an ninh mạng và lao động nghỉ việc vẫn tiếp tục khiến hàng hóa bị tồn đọng tại các cảng của Mỹ. Do không có lực lượng lao động cần thiết để vận chuyển hàng hóa trong nước, tình trạng tắc nghẽn ở một số cảng của Mỹ đã tăng đến 80%.
Trong khi sức khỏe công nhân không được đảm bảo, các cơ sở sản xuất và phân phối đột ngột đóng cửa và lệnh phong tỏa biên giới là những nguyên nhân gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thì việc người dân ở nhà trong nhiều tháng đã khiến nhu cầu đối với các loại sản phẩm thay đổi đáng kể. Chip điện tử là một trong số những mặt hàng có nhu cầu tăng mạnh nhất trong đại dịch. Trước COVID-19, ngành sản xuất chip điện tử đã phải chịu áp lực lớn về yêu cầu sản phẩm. Đại dịch đã buộc người dân phải làm việc tại nhà, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính bảng cũng tăng lên, tạo thêm áp lực cho việc sản xuất và phân phối chip máy tính. Thực tế này càng đáng lo hơn khi phần lớn chip hiện nay được sản xuất tại các nơi từng bị khủng hoảng trong những đợt dịch đầu tiên như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Philippines...
Và cơ hội
Mặc dù vậy, COVID-19 cũng cho thấy một số điểm sáng đến từ các công ty. Trong đại dịch, đã có 92% doanh nghiệp tham gia khảo sát của EY đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ. Điều này nói lên giá trị của chuỗi cung ứng số trong việc giúp các doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, đồng thời phản ứng nhanh hơn với biến động về cung-cầu. Thậm chí, có một số ngành công nghiệp đã “thắng lớn” trong thời kỳ đại dịch. 11% doanh nghiệp được hỏi cho biết đại dịch vẫn có những tác động tích cực, nổi bật là làm tăng nhu cầu của khách hàng (71%) và thúc đẩy việc tung sản phẩm mới ra thị trường (57%). Phần lớn các công ty này hoạt động trong lĩnh vực khoa học đời sống và những tác động tích cực chủ yếu là do sản phẩm của họ vốn đã có nhu cầu cao. Đại dịch cũng đòi hỏi một số công ty khoa học phải tăng gấp đôi năng suất đối với các mặt hàng như bộ xét nghiệm COVID-19 hoặc vaccine. Các ngành khác, đặc biệt là ngành sản xuất các mặt hàng tiêu dùng chủ lực như giấy vệ sinh, đồ hộp,... cũng liên tục cháy hàng trong những ngày đầu của đại dịch.
Các doanh nghiệp công nghệ cao cũng đang đầu tư mạnh mẽ để giúp nhân viên hạn chế nguy cơ mắc COVID-19. Có 61% công ty được hỏi cho biết họ sẽ đào tạo lại lực lượng lao động trong năm 2022, giúp nhân viên làm quen với công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối (blockchain), thích ứng với chiến lược và cách thức làm việc mới của công ty như tăng cường phối hợp trực tuyến hay hỗ trợ mọi người vận hành thiết bị y tế. Khảo sát cũng chỉ ra các biện pháp được chú trọng hàng đầu đối với lực lượng lao động như tăng cường tự động hóa và đầu tư vào AI và học máy (63%), trong đó 37% công ty đã triển khai các công nghệ này và 36% dự định áp dụng trong tương lai gần.
Không những vậy, COVID-19 còn là cơ hội để các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Theo khảo sát của EY, 85% công ty cam kết tập trung hơn vào các mục tiêu môi trường và phát triển bền vững. Một khảo sát khác của PwC cho thấy 60% doanh nghiệp được hỏi đã đưa các chuỗi cung ứng vào cùng một khu vực và 33% đã chuyển nơi sản xuất đến gần các thị trường mục tiêu. Phần lớn các công ty này cũng bày tỏ mong muốn tăng cường chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với bối cảnh bình thường mới.
EY đã tóm tắt 5 ưu tiên hàng đầu của các tổ chức quốc tế nhằm phục hồi chuỗi cung ứng trong đại dịch, cũng như để chuẩn bị cho những rủi ro tương tự trong tương lai. Thứ nhất là nhanh chóng xác định lại chiến lược chuỗi cung ứng và thay đổi dòng chảy thương mại toàn cầu, xem xét các thỏa thuận thương mại mới, các ưu đãi quốc gia và tăng tốc đa kênh. Thứ hai, cần cải thiện khả năng phản ứng và giám sát chuỗi cung ứng theo thời gian thực, cũng như lập kế hoạch và mô phỏng kịch bản trong trường hợp xấu. Thứ ba là giảm chi tiêu mua sắm, tối ưu hóa hậu cần và tăng năng lực sản xuất. Thứ tư là đẩy mạnh thiết kế sản phẩm mới và giám sát rủi ro với các bên trung gian. Cuối cùng là phát triển công ty dựa trên chuỗi cung ứng kỹ thuật số.
Nhiều giám đốc điều hành đang hy vọng rằng sẽ không còn cuộc khủng hoảng nào tương tự như COVID-19. Tuy nhiên, hy vọng không phải là một chiến lược, do đó các công ty cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho những rủi ro trong tương lai. Đặt giá trị con người làm trọng tâm cho hành động sẽ luôn là “kim chỉ nam” cho mọi doanh nghiệp. Cuối cùng, họ cần không ngừng đổi mới để tạo ra một chuỗi cung ứng đảm bảo tính tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Chỉ khi làm được điều này, các doanh nghiệp mới có thể tự tin đối mặt với những thách thức và biến chúng thành cơ hội phát triển.
Nguồn cand.com.vn