CÔNG AN BẠC LIÊU
“Bom nợ” Evergrande của Trung Quốc
Cập nhật ngày: 10-01-2022, lượt xem: 59
Cuộc khủng hoảng hiện tại mà Evergrande của Trung Quốc đang trải qua khiến tập đoàn bất động sản khổng lồ này trở thành tâm điểm của mối lo ngại toàn cầu. Các chủ nợ, nhà đầu tư, doanh nhân, khách hàng và nhân viên của Evergrande, ở Trung Quốc và ở nước ngoài, đã sốt ruột chờ đợi xem liệu chính phủ có quyết định cho Evergrande phá sản hay không vì quy mô của nó quá lớn.

Liệu sự sụp đổ của Evergrande có gây ra những hậu quả không thể lường trước đối với hệ thống tài chính và các chuỗi cung ứng ngành xây dựng?

Và cho dù Evergrande được cứu nhờ sự can thiệp của chính phủ, nhà nước Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải mới. Với sự sụt giảm giá bất động sản ở Trung Quốc, cuộc khủng hoảng đã lan sang các công ty bất động sản khác, như Kaisa chẳng hạn. Financial Times ngày 8-12-2021: “Sự không chắc chắn về khả năng thanh toán nợ của Evergrande đã tác động đến Kaisa, tập đoàn đi vay nợ lớn thứ hai trên các thị trường quốc tế trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Cổ phiếu của Kaisa đã bị tạm dừng giao dịch vào ngày 8-12-2021, một ngày sau khi 400 triệu USD đến kỳ đáo hạn mà không có dấu hiệu thanh toán cho các nhà đầu tư”. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công khai cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nhà ở Trung Quốc có thể tràn sang Mỹ và nền kinh tế thế giới.

Cuộc khủng hoảng của Evergrande được cho là biểu hiện của sự khủng hoảng về mô hình tăng trưởng của Trung Quốc. Những giới hạn của mô hình này có thể được nhìn thấy qua các thị trấn “ma” trải khắp đất nước. Người ta ước tính rằng những căn hộ bỏ trống của Trung Quốc có thể chứa toàn bộ dân số của Pháp, Đức, Italy, Anh hoặc Canada. Tại sao sự phát triển này đã có thể duy trì một tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài như vậy và tại sao giờ đây nó lại thất bại?

“Bom nợ” Evergrande của Trung Quốc -0
“Bom nợ” Evergrande sẽ chấm dứt “chuỗi bùng nổ” kinh tế của Trung Quốc?

Từ giữa những năm 1990 đến năm 2008, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc nổi lên như một động lực mạnh mẽ dẫn đến tính năng động và lợi nhuận. Được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu và do các công ty tư nhân nước ngoài chi phối, lĩnh vực xuất khẩu đã tích lũy được nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ. Nguồn dự trữ ngoại hối này đã trở thành cơ sở tiền tệ cho việc mở rộng tín dụng một cách hào phóng trong hệ thống tài chính. Việc tăng dự trữ ngoại hối cho phép các ngân hàng nhà nước tăng tính thanh khoản bằng nội tệ mà không gặp rủi ro mất giá và thất thoát vốn. Hầu hết các khoản cho vay mới được dành cho các công ty có quan hệ chính trị tốt, có xu hướng đầu tư vào các tài sản cố định như cơ sở hạ tầng, bất động sản, các nhà máy thép và than.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã giáng đòn đầu tiên vào thời kỳ tăng trưởng kéo dài của Trung Quốc, vốn dựa vào xuất khẩu. Để đối phó với sự sụt giảm toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một gói kích thích tiền tệ tích cực và hiệu quả. Nhưng, do xuất khẩu đình trệ, việc mở rộng tín dụng ngân hàng nhà nước cho hoạt động đầu tư không còn được bù đắp bởi việc mở rộng dự trữ ngoại hối. Kết quả là làm xuất hiện một bong bóng nợ khổng lồ. Từ năm 2008 đến cuối năm 2017, dư nợ của Trung Quốc đã tăng từ 148% GDP lên hơn 250%. Theo ước tính của Viện Tài chính quốc tế (IIF), đại dịch COVID-19 trong năm 2020 đã làm dấy lên một làn sóng cho vay mới, đẩy tỷ lệ nợ trên GDP lên hơn 330%.

Hầu hết các khoản nợ này được sử dụng để tài trợ cho việc xây dựng các chung cư mới, các nhà máy than, nhà máy thép và các dự án cơ sở hạ tầng. Vì không có đủ người để tiêu thụ sản phẩm cuối cùng, các khoản đầu tư mới chỉ tạo ra công suất dư thừa mới, không sinh lợi. Sau giai đoạn phục hồi 2009-2010, lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục giảm ở tất cả các khu vực, cả tư nhân lẫn nhà nước.

Để tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới, Bắc Kinh đã kêu gọi chuyển từ đầu tư cố định sang tiêu dùng tư nhân trong nước. Lực lượng tiêu dùng tư nhân của Trung Quốc đã thực sự tăng nhanh sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001 nhưng nó chưa bao giờ tăng đủ nhanh để bắt kịp với sự mở rộng đầu tư. Trong suốt thời kỳ bùng nổ xuất khẩu kéo dài, thu nhập trung bình của các hộ gia đình tăng chậm hơn nhiều so với toàn bộ nền kinh tế. Điều này có nghĩa là phần lớn thu nhập mới do nền kinh tế tạo ra đã được chuyển cho chính phủ và các doanh nghiệp khác, thay vì đến tay người lao động dưới hình thức tiền công và tiền lương. Như vậy, lợi nhuận được đưa trở lại đầu tư và tạo ra công suất dư thừa mới, thay vì để gia tăng tiêu dùng.

Những khó khăn dai dẳng trên đã góp phần cản trở quỹ đạo phát triển của Trung Quốc. Vào năm 2015-2016, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và sự thất thoát vốn đã khiến đồng tiền Trung Quốc mất giá mạnh. Năm 2016, nền kinh tế ổn định trở lại nhưng chỉ sau khi thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát vốn. Hệ thống ngân hàng khi ấy cũng đã bơm các khoản tín dụng mới vào nền kinh tế để duy trì sự vận hành. Một trong những dấu hiệu cho thấy sự mong manh về tài chính phổ biến là phần lớn những tín dụng này dành để tiếp tục tài trợ cho khoản nợ hiện có, thay vì tài trợ cho hoạt động sản xuất hay tiêu dùng mới.

Tình trạng bế tắc này của nền kinh tế Trung Quốc được biểu hiện qua sự đình trệ của ngành công nghiệp chế biến, như được chứng minh qua Chỉ số quản lý mua hàng (PMI). Kể từ giai đoạn phục hồi năm 2009-2010, Trung Quốc đã cần bơm vào các khoản tín dụng luôn lớn hơn để nền kinh tế tiếp tục phát triển. Khi các đợt tăng tín dụng thường xuyên và ngày càng lớn đã khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng nợ gia tăng mà không mang lại động lực mới nào, các doanh nghiệp trở thành như những “xác sống”, bám vào các khoản vay. Và, đây rất có thể là câu chuyện chính của Evergrande bây giờ.

Theo: cand.com.vn

Các tin khác