Kinh tế thế giới mất đà phục hồi
Cho đến lúc này, có thể khẳng định hầu hết những nền kinh tế quan trọng nhất của thế giới đều sẽ không đạt được những mục tiêu hay dự báo tăng trưởng cho năm nay.
Bộ Thương mại Mỹ công bố: Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III-2021 chỉ là 2%, giảm sâu so với mức xấp xỉ 6,5% của hai quý trước đó. Điều đó có nghĩa là mục tiêu tăng trưởng GDP 7% trong năm nay của nước Mỹ đã tan thành mây khói.
Nhưng, lần này, nước Mỹ không "cô đơn", khi nền kinh tế Trung Quốc cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau quý II đạt mức tăng 7,9% thì GDP quý III của nước này sụt xuống mức 4,9%, khiến mục tiêu phục hồi GDP ở mức 8% cho cả năm 2021 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên xa vời.
Ở khu vực Eurozone, hai nền kinh tế lớn nhất dẫn dắt cả khối là Pháp và Đức đều chấp nhận những con số sụt giảm đáng kể trong nửa cuối năm 2021. Tại Nhật Bản, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á, mức sụt giảm thấp hơn nhưng cũng khiến hầu hết các quốc gia phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng cho năm nay và năm tiếp theo. Rất hiếm hoi mới có một quốc gia như Singapore, vẫn sẽ có cơ hội hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ở mức cao là 7% cho năm 2021.
Làn sóng COVID-19 thứ tư quét qua khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khiến những nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại khu vực kinh tế năng động nhất thế giới này, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm nay đã trở nên rất mong manh. Điều này khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất được công bố, đã phải giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6,5% trước đại dịch. Vấn đề đáng lưu ý là: Ngay cả những con số được tính toán lại ở thời điểm này vẫn bị đánh giá là quá lạc quan, trước những thách thức mới dồn dập kéo đến trong 2 tháng cuối năm.
Những cơn sóng thần
Trong những tháng đầu năm 2021, khi vaccine được đưa vào tiêm chủng ở khắp nơi đem đến những niềm hứng khởi, niềm tin rằng đại dịch sẽ sớm qua đi thì lúc này, những hy vọng đó đã dần nhòa nhạt.
Cuộc "mở cửa vĩ đại" của các quốc gia Âu - Mỹ hồi tháng 6, tháng 7 đã đồng thời mở toang cánh cửa cho COVID xâm nhập trở lại cộng đồng. Nước Mỹ, nước Đức và cả nước Pháp, những nền y tế mạnh nhất thế giới lại một lần nữa đứng trước tình trạng quá tải trong những tháng cuối năm 2021, dù tỷ lệ tiêm chủng tại đây đều đã đạt trên 2/3 dân số từ lâu. Đức, quốc gia từng là điểm sáng của châu Âu trong cuộc đối đầu với COVID-19 cũng mới trở thành quốc gia thứ năm của châu lục này vượt ngưỡng 100 nghìn người chết vì đại dịch.
Ở châu Á - Thái Bình Dương, đợt dịch thứ tư càn quét Đông Nam Á khiến cả khu vực này phải điêu đứng trong những tháng vừa qua và con số thống kê tồi tệ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngay cả Trung Quốc, thành trì vững chãi nhất của thế giới trong đại dịch cũng đang ghi nhận những ổ dịch từ khắp nơi trên đất nước. Nhiều quốc gia đã phải tái lập các lệnh cấm di chuyển để tự bảo vệ mình. Điều đáng sợ là một biến chủng mới với mức lây lan dự báo khủng khiếp hơn được gọi tên Omicron đã bắt đầu cuộc càn quét của nó. "Bao giờ đại dịch mới kết thúc?" trở thành câu hỏi không có lời đáp.
Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến những vấn đề của nền kinh tế thế giới lộ rõ hơn. Những chuỗi cung ứng bị đứt gãy khó phục hồi hơn dự đoán thách thức mọi nỗ lực của các nhà sản xuất.
Những biến động địa chính trị lúc này, vì thế, trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Cuộc khủng hoảng Ukraine chưa biết có diễn biến xấu hơn trong thời gian tới hay không, song hệ quả nhãn tiền là cả một khu vực Tây Âu đang quay cuồng xoay xở với tình trạng thiếu nhiên liệu những tháng qua. Giá dầu sau những sụt giảm kỷ lục vào năm ngoái thì nay lại tăng phi mã ở mức mà người ta không thể kiểm soát nổi. Lý do không phải do thiếu nguồn cung, mà chủ yếu bởi hệ thống vận chuyển bị tổn hại nghiêm trọng không thể phục hồi trước những diễn biến khó lường của đại dịch. Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc trong tháng 9, tháng 10 năm 2021 là điều chưa từng xảy ra trong suốt 4 thập kỷ cải cách mở cửa của đất nước này.
Trong khi đó, lạm phát lại đang trở thành bóng ma ám ảnh nền kinh tế toàn cầu. Nước Mỹ đã đạt chỉ số lạm phát cao nhất trong vòng 3 thập kỷ qua. Những con số thống kê ở khu vực Eurozone cũng cho thấy điều tương tự. Khi những gói kích thích khổng lồ được bơm vào các nền kinh tế trong thời gian ngắn, đây là hệ quả không thể tránh được. Có điều, khác với những cuộc khủng hoảng gần đây - diễn ra trong thời gian ngắn hoặc liên quan tới lĩnh vực tài chính ngân hàng - thì lần này, lĩnh vực sản xuất lại bị tổn thương nghiêm trọng nhất. Phục hồi sản xuất đang là vấn đề với mọi quốc gia trên thế giới khi giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, nguồn lao động khan hiếm do bị ảnh hưởng bởi những lệnh giãn cách, còn việc tiêu thụ bị đình đốn do khó tiếp cận thị trường.
Trong khi đó, những nguồn tài chính của thế giới lại đang rời bỏ sản xuất do mất niềm tin vào đà phục hồi. Từ Bitcoin tới chứng khoán, những con số tăng trưởng phi thực tế tạo nên những giá trị ảo cho nhóm nhỏ các nhà đầu tư nới rộng khoảng cách mênh mông giữa giàu và nghèo trên khắp thế giới. Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, chi tiêu trong lễ hội mua sắm cuối năm Black Friday suy giảm ở châu Âu và Mỹ cho thấy sức mua của người dân đã xuống thấp như thế nào. Giờ thì người ta mới "thấm": "chứng khoán không phải là nền kinh tế". Những đồng tiền ảo liên tục phá những kỷ lục mới khiến cho nó trở thành món hàng thời thượng, dù không mấy ai hiểu rõ về giá trị cũng như tính bảo đảm của nó. Các nhà kinh tế đã đưa ra cảnh báo về hiện tượng đầu cơ bùng nổ với những tài sản vô hình này. Vấn đề là khi dòng tiền đã ra đi thì sẽ rất khó để quay trở lại, những bong bóng đầu tư sẽ được đẩy lên mãi cho đến khi vỡ ra mới thôi. Khi điều đó xảy ra, sẽ là một cuộc khủng hoảng kép.
Phía trước vô định
Tín hiệu tích cực cuối năm là khi những nền kinh tế lớn đã bắt đầu ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết vấn đề. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung đã mở ra khả năng tạm dừng cuộc chiến thương mại kéo dài trước đó. Nhiều quốc gia đã chủ động mở kho dự trữ chiến lược để hạ giá dầu. Hợp tác quốc tế đang được nối lại để hướng tới những mục tiêu chung. Nhưng, để nền kinh tế duy trì một cách trơn tru thì quan trọng nhất là phải tái phục hồi sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng, những thứ đang bị ngáng trở bởi con virus SARS-CoV-2. Bài toán luẩn quẩn giữa phục hồi kinh tế và đóng cửa chống dịch nhằm bảo vệ người dân lặp đi lặp lại khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải đau đầu.
Vì vậy, dù vẫn đang giữ ở mức dự báo tăng trưởng 4,9% cho năm 2022 nhưng cả Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) lẫn Ngân hàng Thế giới (WB) đều đưa ra những cảnh báo thận trọng với nền kinh tế thế giới. Sau khi đã thoát "đáy" mà chưa thể phục hồi thì lúc này, nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ "lạm phát, đình trệ" nghiêm trọng. Đây là hiện tượng bất thường khi tăng trưởng kinh tế yếu mà lạm phát cao khiến cho cuộc khủng hoảng có thể kéo dài hàng thập kỷ, như đã từng xảy ra ở những năm 70 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, so với 50 năm trước, nền kinh tế thế giới hiện nay kết nối rộng lớn hơn nhiều, nên khó dự đoán hơn gấp bội.
Nguồn cand.com.vn