Chú trọng vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách đối ngoại
Cập nhật ngày: 28-02-2023
 
Sáng 27/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị.
 

Cùng tham dự hội nghị có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn...

Chú trọng vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách đối ngoại -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh dấu ấn hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, nội dung 8/13 tham luận phát biểu của lãnh đạo ban, bộ, cơ quan, tổ chức là hết sức sâu sắc, thiết thực; đề nghị Thường trực Ủy ban Đối ngoại tiếp thu đầy đủ các tham luận, tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện, góp phần để công tác đối ngoại của Quốc hội đạt kết quả tốt nhất trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, có ý nghĩa hệ trọng, vừa cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả mục tiêu kép về phòng, chống đại dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Công tác đối ngoại của Quốc hội đã đóng góp tích cực vào thành công chung. Quốc hội đã thể chế hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đối ngoại và cam kết quốc tế của Việt Nam; việc triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương. Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới, năng động và hành động, phát huy vai trò, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Vượt lên những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Quốc hội đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực; tham gia tích cực các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, và Quốc hội Việt Nam nói riêng, trên trường quốc tế".

“Có được những kết quả nổi bật đó, tôi cho rằng, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên và hoạt động đối ngoại rất hiệu quả của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã được xác định tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 161 của Quốc hội, Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về Đề án định hướng chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 34-NQ/TW, ngày 09/01/2023 về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó chú trọng vị trí, vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tiếp tục tăng cường gắn kết, phối hợp với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy lợi thế ngoại giao nghị viện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong triển khai đường lối đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; chú trọng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; phục hồi kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng với đó là thúc đẩy quan hệ với các nghị viện các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao nghị viện đa phương trên tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, phát huy vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế; từng bước nâng cao vai trò nòng cốt, dẫn dắt, phù hợp với khả năng và điều kiện của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; thường xuyên, chú trọng giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Nâng cao chất lượng tham mưu trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về đối ngoại cũng như triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại trên kênh nghị viện, xác định trọng tâm, trọng điểm trong quan hệ song phương, nâng tầm ngoại giao đa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu bật yêu cầu nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đối ngoại trên cơ sở thường xuyên cập nhật quy định, hướng dẫn mới, nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ để tham mưu cho chắc, cho sắc; đổi mới tư duy, chủ động sáng tạo, đề xuất chính sách và giải pháp cụ thể, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của công tác đối ngoại Quốc hội...

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã trao Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tặng một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, phối hợp, phục vụ hoạt động đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến nay.

Nguồn: cand.com.vn