Báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chuyên nghiệp và bám sát thực tiễn hơn
Cập nhật ngày: 1-02-2023
Sáng 31/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Quý Mão năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT; các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí; các nhà báo lão thành, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí qua các thời kỳ; lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và đông đảo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những khó khăn trong năm 2022 là những thách thức sống còn đối với các vấn đề toàn cầu như dịch COVID-19, biến đổi khí hậu… Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân hôm nay đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có sự thay đổi về tư duy để thúc đẩy phát triển.
Khẳng định năm 2023 dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với những tiền đề đã đạt được trong năm 2022, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng đây là năm tiếp tục kiến tạo và đồng hành. Đây cũng là cơ chế quan trọng để cơ quan báo chí có thể đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn mà nhìn vào số lượng có thể thấy cơ hội, quyết tâm có đủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến động hiện nay, thách thức đối với cơ quan báo chí là tương đối lớn. Trước yêu cầu đổi mới, tôi mong muốn báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp và sát với thực tiễn hơn. Cơ quan báo chí không chỉ đơn thuần là phản ánh mà phải xây dựng được đội ngũ chuyên gia là nhà lý luận, nhà ngoại giao, nhà kinh tế, nhà công nghệ, nhà nghệ thuật để phát huy tối đa vai trò phản biện của báo chí”- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đã đến lúc cơ chế thị trường sẽ là cơ chế chi phối nên hoạt động báo chí cũng sẽ phải theo cơ chế thị trường. Điều này đòi hỏi cơ quan báo chí cần phải ngày càng chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, nhất là trong bối cảnh tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ; cơ quan báo chí cần phải xây dựng được những tác phẩm, món ăn tinh thần không thể thiếu được cho nhà quản lý và chính mỗi người dân; đưa thông tin đến với người dân bằng nhiều kênh; biến các phóng viên, cộng tác viên thành chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Báo chí không chỉ đưa tin, phản ánh thông tin mà còn cần phản ứng kịp thời, nhanh nhạy về chính sách bằng cách đưa ra các mô hình, cách làm hay, nhân rộng các cơ chế, chính sách mới...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị các Bộ, ngành cần cởi mở, gắn bó hơn với báo chí; tạo điều kiện để báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của cơ quan báo chí trong năm 2022. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh về thông tin, nhân lực, tài chính song nhiều cơ quan báo chí đã chủ động tìm giải pháp để người làm báo thực sự yên tâm công tác, có thể mang đến những sản phẩm truyền thông giàu chất lượng.
Bước vào năm 2023, Phó Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị người làm báo cần chủ động, sáng tạo trong công tác thông tin tuyên truyền; cơ quan báo chí cần tập trung thông tin truyên truyền về các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Mỗi nhà báo cần bám sát thực tiễn; cơ quan báo chí chủ lực cần tiên phong đi đầu, tuyên truyền có trọng tâm trọng điểm, tạo sức mạnh để nâng cao nhận thức, sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân; báo chí cần có nhiều hơn nữa những bài viết, chương trình truyền hình chất lượng, tạo dòng thông tin chủ lực, tích cực, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Vài năm vừa qua, Báo Nhân dân có nhiều thay đổi, chú trọng xây dựng nội dung trên nền tảng số. Đây cũng chỉ là những bước đi đầu tiên trong hành trình phát triển. Trong năm 2023, Báo Nhân dân sẽ mở thêm 6 chuyên trang về 6 vùng, đẩy mạnh kết hợp giữa báo in, báo hình và báo điện tử nhằm đảm bảo tính liên thông, liên kết. Đồng chí Lê Quốc Minh cũng bày tỏ mong muốn tăng cường sự phối hợp hơn nữa giữa Báo Nhân dân với các cơ quan báo chí trong nước, đặc biệt là trong việc chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan báo chí đều khẳng định nỗ lực lớn của các cơ quan báo chí, các nhà báo trong việc thông tin chính xác, kịp thời về các vấn đề lớn của đất nước; sự phối hợp, tạo điều kiện của các Bộ, ban ngành, các cơ quan quản lý báo chí đã giúp báo chí hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2022.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng- Văn hoá Trung ương chia sẻ: Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Quý Mão năm 2023 là cuộc gặp mặt báo chí mang tính truyền thống đầu xuân đầy ý nghĩa. Nhà báo Hà Đăng cũng bày tỏ mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân dân cần tiếp tục giữ gìn truyền thống này, đồng thời tin tưởng sự nghiệp báo chí sẽ luôn song hành cùng với sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước.