Hiệp định Paris dưới góc nhìn của bạn bè quốc tế
“50 năm đã trôi qua kể từ ngày ký Hiệp định Paris, nhưng những tình cảm và niềm vui trong tôi vẫn luôn vậy. Toàn thể thế giới đã hân hoan chào đón thắng lợi của dân tộc Việt Nam, chiến thắng đúc kết từ tinh thần anh dũng của nhân dân và từ sự hỗ trợ của Liên Xô, Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chúng tôi ủng hộ Việt Nam và rồi sự thành công của Việt Nam đã góp phần lan tỏa sức mạnh cho phong trào đấu tranh đòi quyền độc lập dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc của các nước thuộc địa trên thế giới”, bà Helen Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp – Việt đã bắt đầu bài phát biểu của mình tại Lễ kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris diễn ra vào trung tuần tháng 1 vừa qua đầy xúc động.
Trong không gian ấm áp với sự hiện diện của các nhân chứng lịch sử và cả bạn bè quốc tế - những người đã hỗ trợ và ủng hộ Việt Nam giành độc lập trong cuộc chiến chống lại đế quốc Mỹ, những chia sẻ của bà Helen Luc khiến cả khán phòng lắng lại.
Chung góc nhìn với bà Helen Luc, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Italia vùng Veneto Renato Darsie chia sẻ: “Việt Nam hiện là một quốc gia thịnh vượng với tương lai rộng mở và Việt Nam có được điều này là nhờ sự thắng lợi giành được trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris. Những gì các bạn làm được cho thấy các bạn có một đường lối chính trị rõ ràng, bất di bất dịch nhưng cũng vô cùng mềm dẻo”.
Gọi mình là một người con của Cộng sản, ông Renato Darsie nhớ lại những năm 1960, 1970, khi ông và rất nhiều người trẻ ở châu Âu thời kỳ đó đều đấu tranh hết mình vì một thế giới tốt đẹp. Do đó, việc Hiệp định Paris được ký kết đã tạo ra một hiệu ứng tích cực với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, góp phần thay đổi cục diện lúc bấy giờ. Còn vớinhà báo trẻ Amiad Horowitz của tờ Peoples World và cũng là thành viên Đảng Cộng sản Mỹ, người đã đến lễ kỷ niệm với niềm kính trọng những người làm nên lịch sử, Hiệp định Paris trong nhận định của anh là thắng lợi to lớn của cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự, ngoại giao của Việt Nam, cũng như là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Sự trường tồn của triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Trong những chia sẻ được bạn bè quốc tế và các đại biểu nhắc đến tại lễ kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris, có một cụm từ đã trở thành chân lý, được nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần, đó là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngược dòng thời gian, ta thấy rằng, trong lập trường của đồng chí Lê Đức Thọ, quân Mỹ rút ra và quân ta ở lại là bất biến.
Từ cái gốc vững chắc này, đồng chí cố vấn đặc biệt đã có ứng xử kiên quyết, phù hợp với bối cảnh lịch sử, biết điều gì có thể nhân nhượng, còn điều gì phải đấu tranh tới cùng. Trong lịch sử, vua Lý Thánh Tông khi đi lo việc biên cương ở phương Nam, dẹp loạn Chiêm Thành cũng từng dặn nhiếp chính Ỷ Lan: “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định”, ý chỉ cứ lấy cái nhất tâm, bất biến là việc giữ nước, để đối phó với vạn biến.
Tháng 5/1946, Bác Hồ đã lần đầu tiên nhắc đến “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, khi họp với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi sang Pháp tìm kiếm một giải pháp hòa bình để xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và đưa đất nước vượt qua hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Xuyên suốt cuộc đấu tranh trường kỳ, mục tiêu và nguyên tắc bất biến của chúng ta là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tôn trọng chủ quyền quốc gia như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, “Dĩ bất biến ứng vạn biến” là lấy cái không thể thay đổi, không thể nhượng bộ để ứng phó với muôn sự thay đổi. Suy ngẫm những gì mà Bác cùng với Đảng thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể hiểu được rằng cái “bất biến” là lợi ích của quốc gia, dân tộc, độc lập dân tộc, chủ quyền và cái “vạn biến” là cách ứng phó tài tình, khéo léo, linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa cương và nhu, giữa chủ động và sáng tạo trong những tình huống cụ thể, để phá vỡ thế bế tắc và tranh thủ được sự đồng tình của dư luận. Tóm lại, phải đánh giá được đúng tình hình quốc tế và sự tác động gồm thuận lợi và khó khăn của tình hình đó đối với đất nước để đưa ra quyết sách.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá rằng, trên bàn Hội nghị Paris “Dĩ bất biến” là kiên quyết không khoan nhượng đối với những vấn đề có tính nguyên tắc về: giữ vững độc lập tự chủ; tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Mỹ cùng quân đội nước ngoài phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, v.v... “Ứng vạn biến” là tích cực, linh hoạt, chủ động, khôn khéo trong lựa chọn hình thức, phương pháp đấu tranh ngoại giao, trong nhân nhượng về những vấn đề thứ yếu, biết giành thắng lợi từng bước trong đàm phán tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn.
Bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam và bài học trong thời kỳ mới
Bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay đặt ra vô vàn thách thức với đất nước ta. Đặc biệt, môi trường đối ngoại trong những năm tới sẽ chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về an ninh, chính trị, kinh tế. Hiểu rõ được điều này, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”. Đây là nguyên tắc bất biến, là đường lối đối ngoại nhất quán.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, “mục tiêu tối thượng” về công tác đối ngoại là “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu ngành ngoại giao phải luôn luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, tuỳ cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt!”.
Thấm nhuần tư tưởng ấy, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc cùng với những bài học lịch sử của Hội nghị Paris, Việt Nam đang từng bước xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 trong 193 quốc gia thành viên LHQ, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới.
Việt Nam cũng là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN…; đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ ở châu Phi. Những kết quả và thành tích trong công tác ngoại giao đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau hơn 35 năm đổi mới, như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đặt trong dòng chảy lịch sử vẻ vang và tự hào của dân tộc, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam sẽ mãi là mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta. Và sẽ luôn được phát huy, góp phần vào những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước ngày nay.
Nguồn: cand.com.vn