Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về cấp bậc hàm của một số chức vụ trong CAND
Cập nhật ngày: 18-01-2023
Theo đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an cho biết: Hiện nay, cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa phù hợp với cơ cấu tổ chức bộ máy và tính chất, vị trí của các chức vụ, chức danh này; có chức vụ chưa được quy định cụ thể cấp bậc hàm cao nhất trong Luật nên trong thực tiễn khó triển khai thực hiện.
Qua rà soát, cơ quan này đề xuất bổ sung một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là: Thượng tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân được phê chuẩn giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Thủ trưởng một số đơn vị cấp Cục, tương đương cấp Cục; nâng cấp bậc hàm cao nhất từ Thượng tá lên Đại tá đối với Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an thành phố Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh, Trưởng Công an thành phố trực thuộc thành phố thuộc Trung ương.
Lý giải về đề xuất này, lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an cho biết, hiện nay, Bộ Công an có một đồng chí Thứ trưởng được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhưng Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể về cấp bậc hàm đối với vị trí này, trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an có trần cấp bậc hàm là Thượng tướng; vì vậy, cần bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất của sĩ quan Công an nhân dân được phê chuẩn giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội là Thượng tướng.
Đối với một số vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng thì thực tiễn cho thấy, sau khi Bộ Công an tiến hành sắp xếp, tinh gọn đầu mối, hầu hết Thủ trưởng các đơn vị cấp Cục và tương đương cấp Cục có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng nhưng vẫn còn Thủ trưởng của một số đơn vị chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh tương đương như: Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng nhưng Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân chỉ có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá; trong khi đó, đây là các đơn vị trực thuộc Bộ, là 2 trường trọng điểm của lực lượng Công an nhân dân, đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực phía Nam là chưa phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị này; hoặc theo Quy định số 30-Qđi/TW ngày 19-8-2021 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh Trợ lý, Thư ký thì đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị có 2 Trợ lý và được hưởng lương, chính sách, chế độ tương đương Tổng cục trưởng, tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có 1 đồng chí Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an được quy định có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.v.v...
Đối với Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Trưởng Công an thành phố trực thuộc thành phố thuộc Trung ương, đây là các đơn vị vũ trang tập trung, quân số đông, tương đương cấp Phòng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc địa bàn quản lý lớn hơn cấp quận (thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh) nhưng mới được quy định có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá là chưa phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị này, cũng như quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Công an nhân dân năm 2018 (Trưởng phòng và tương đương ở đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Trưởng Công an quận thuộc Công an thành phố Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh được thăng cấp bậc hàm Đại tá).