Quy hoạch đừng vẽ như New York, Paris rồi để đấy
Cập nhật ngày: 6-01-2023
 
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cho rằng, cần tập trung quản lý chặt chẽ ba loại đất ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh như đất ở, đất lúa, đất rừng và quản lý linh hoạt các loại đất khác.
 

Sáng 6/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Nội dung Báo cáo quy hoạch cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021 - 2030.

Lưu ý yếu tố đổi mới sáng tạo trong phát triển đất nước

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là vấn đề khó, với xuất phát điểm ban đầu là Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua vào năm 2019. Chủ tịch nước đánh giá Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của luật quy hoạch; nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Chủ tịch nước phân tích, tầm nhìn của quy hoạch đặt ra rất dài với 30 năm, trong một thế giới luôn biến đổi thì cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước. Nếu chúng ta chậm, không cập nhật thì sẽ lạc hậu. Đây là vấn đề rất lớn, quyết định cho sự phát triển cho nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia, đồng thời cho rằng, đi liền với khoa học công nghệ thì phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm và Việt Nam cần phải đặt vấn đề này để “đi tắt đón đầu”. Chúng ta phải thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng thì mới thực hiện được các chiến lược, những kịch bản tăng trưởng.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ.

Chủ tịch nước cũng lưu ý nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, do đó khi đặt vấn đề về quy hoạch tại những trục chính, những đô thị, khu vực đông dân cư phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển bền vững.

Về một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao vì chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện dự thảo chưa rõ chi phí như thế nào để thực hiện các kịch bản, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thể chế phải phù hợp để đất nước hội nhập quốc tế; thể chế mà lạc hậu, chậm trễ thì sẽ kìm hãm phát triển. Đảng ta coi đột phá trong thể chế rất quan trọng trong quá trình tổ chức, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.  

Quy hoạch phải đảm bảo khả thi

Nhấn mạnh quy hoạch phải khả thi, Trần Hoàn Ngân (TP Hồ Chí Minh) lưu ý làm rõ nguồn lực để thực hiện quy hoạch, đừng “vẽ” như New York, Paris rồi không làm được. “Khâu thể chế rất quan trọng. Đầu tư công hiện nay có hạn mà đầu tư còn dàn trải, không nuôi dưỡng được nguồn thu. Bây giờ phải chuyển hướng sang các vùng động lực tăng trưởng; đẩy mạnh hợp tác công tư. Nhìn lại sân cỏ Mỹ Đình, rất đau xót. Nếu có sự hợp tác, liên doanh, giao khu vực tư quản lý khai thác thì có lẽ đã khác” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao -0
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần bổ sung thêm các đánh giá về ưu điểm, lợi thế của các điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, làm rõ hiện trạng mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt, quy hoạch khác chưa được quyết định phê duyệt. Trong đó, quan trọng nhất là kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch này gắn liền với việc sửa đổi Luật Đất đai.

Góp ý về vấn đề cụ thể, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng cần tập trung quản lý chặt chẽ ba loại đất ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh như đất ở, đất lúa, đất rừng và quản lý linh hoạt các loại đất khác. Qua nghiên cứu, đại biểu chỉ ra rằng, trong báo cáo chưa nhắc đến đất là tư liệu sản xuất. Trong tất cả các nền kinh tế, đất đai phải là tư liệu sản xuất, vừa là nơi tạo ra việc làm, xây dựng các công xưởng, nhà máy và là nơi nuôi dưỡng nguồn thu. Do đó, cần nêu rõ định hướng, quan điểm sử dụng đất trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao -0
Đại biểu Lại Thế Nguyên (Thanh Hoá) phát biểu.

Mặt khác, đại biểu Lại Thế Nguyên (Thanh Hoá) cho biết, trong dự thảo có quy định mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, do đó, đề nghị nên mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực đường Hồ Chí Minh mà tương lai là cao tốc phía Tây nhằm giảm sức ép sử dụng đất cho khu vực đồng bằng, tạo và mở rộng không gian, động lực phát triển cho khu vực trung du, miền núi hiện nay.

Về định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia trong định hướng quy hoạch vùng động lực phía Bắc, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bởi Nghị quyết trên đã xác định Thanh Hóa sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới phía Bắc của Tổ quốc; trong hành lang kinh tế Đông Tây phía Bắc nên có thêm một hành lang nữa là Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa.


Nguồn: cand.com.vn