Hội nghị toàn quốc quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Cập nhật ngày: 6-12-2022
 
Đây là lần đầu tiên, Đảng ta xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong một nghị quyết của Trung ương trên cơ sở cương lĩnh, Hiến pháp và văn kiện đại hội của Đảng các nhiệm kỳ.
 

Sáng 5/12, Bộ Chính trị Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nối điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thành phố Hà Nội và 11.632 điểm cầu các ban, bộ, ngành ở Trung ương, cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với gần 1,2 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu và các giải pháp để sớm đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng…

Tại điểm cầu Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì. Dự Hội nghị có các đồng chí trong Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ  trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các Cục nghiệp vụ và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an.

Hội nghị toàn quốc quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự Hội nghị.

Sau khai mạc, Hội nghị đã nghe đồng chí Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày chuyên đề: "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".

Đây là chuyên đề đầu tiên trong 4 chuyên đề được truyền đạt trong chương trình làm việc 2 ngày của Hội nghị. Theo chương trình, chiều 5/12, Hội nghị sẽ nghe đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới". 

Ngày 6/12, Hội nghị sẽ nghe 2 chuyên đề là: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; "Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân.

 Quyền lực Nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy Nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Hội nghị toàn quốc quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -0
Đồng chí Phan Đình Trạc trình bày chuyên đề: "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".

 Theo đồng chí Phan Đình Trạc, nghị quyết Trung ương lần này khẳng định 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. “Đây là lần đầu tiên, Đảng ta xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong một nghị quyết của Trung ương trên cơ sở cương lĩnh, Hiến pháp và văn kiện đại hội của Đảng các nhiệm kỳ” - Trưởng Ban Nội chính Trung ương nói và nhấn mạnh, 8 đặc trưng này vừa phù hợp với những đặc trưng, giá trị phổ quát Nhà nước pháp quyền đã được thế giới công nhận; vừa thể hiện được tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền của XHCN Việt Nam. “Đây là điểm mới, nổi bật của nghị quyết lần này”, Trưởng ban Nội chính Trung ương  nhấn mạnh.

Hội nghị toàn quốc quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -0
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Nêu cụ thể 8 đặc trưng, đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định, đầu tiên là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là đặc trưng riêng có, cơ bản, nhất quán, xuyên suốt trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. “Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là nền tảng vững chắc, không cho phép ai ngả nghiêng, dao động” – đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Hai, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. “Đặc trưng này khẳng định, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức” – đồng chí Phan Đình Trạc chỉ rõ. 

Ba, quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. “Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là lấy con người là trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được tạo điều kiện để phát triển toàn diện” – đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh và nêu rõ, thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Bốn, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đây là đặc trưng xuyên suốt, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Mọi hoạt động của cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức, viên chức phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ “chỉ được làm những gì Hiến pháp và pháp luật quy định. “Mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh”, đồng chí Phan Đình Trạc chỉ rõ.

Hội nghị toàn quốc quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -0
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Công an.

Năm, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đặc trưng này thể hiện giá trị đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

“Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực Nhà nước. Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều có chung nguồn gốc thống nhất từ nhân dân” – đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh và cho biết, để thực hiện hiệu quả quyền lực Nhà nước, phòng ngừa sự lạm dụng, lạm quyền, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực Nhà nước phải được phân công rành mạch phối hợp chặt chẽ, và kiểm soát một cách có hiệu quả.

Sáu, hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Đây là đặc trưng phổ biến của mọi Nhà nước pháp quyền.

Bảy, độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một đặc trưng cốt lõi được công nhận rộng rãi như một giá trị không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền.

Tám, tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. “Đây là đặc trưng phổ biến của Nhà nước pháp quyền, thể hiện trách nhiệm của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế” – Trưởng ban Nội chính Trung ương nói, đồng thời nhấn mạnh hội nhập quốc tế là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

10 nhóm nhiệm giải pháp

Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Nghị quyết đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đã nêu đó là: Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.  Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

 Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

 Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

bca_6298.jpg -0
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Công an.

Đồng chí Phan Đình Trạc cũng đã phân tích nhiều điểm mới trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu ra. Đó là, Trung ương nhấn mạnh yêu cầu về tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tạo sự thống nhất nhận thức về 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.  Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị.

Thể chế hoá đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người đại diện cho Nhân dân; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, làm rõ những trường hợp không được bầu cử. Cụ thể hoá và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm về Hiến pháp…

hnt1.jpg -0
hntq.jpg -1
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Về tổ chức thực hiện, đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ, Trung ương yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. 

Chủ động xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch, có nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.


Nguồn: cand.com.vn