Chủ trì hội nghị, tại điểm cầu Ban Chấp hành Trung ương có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương… Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, được kết nối từ Trung ương đến các điểm cầu bộ, ban, ngành, cấp tỉnh, huyện và cơ sở.
Tại điểm cầu Bộ Công an, dự hội nghị có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an và các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Đây là hội nghị có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
Dưới sự điều hành của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã báo cáo những nội dung chủ yếu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Phát triển vùng phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch của quốc gia. Khai thác và phát huy các thế mạnh của vùng về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, nhân lực chất lượng cao; phát triển nhanh mạng lưới đô thị với kết cấu hạ tầng. Phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; đẩy mạnh phân công, phối hợp và phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Mục tiêu đến năm 2030 đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Cùng với đề ra những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, Bộ Chính trị xác định đồng bằng sông Hồng tầm nhìn năm 2045 là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục- đào tạo, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.
Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch ,vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển kinh tế vùng; phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã trình bày Dự thảo Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 22045.
Đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trình bày Dự thảo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dưới sự điều hành của đồng chí Võ Văn Thưởng, đại diện các bộ, ngành, địa phương gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tỉnh, thành phố trong vùng như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định…trình bày tham luận với những nội dung quan trọng, phản ánh thực tiễn sinh động cũng như các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo chương trình, đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Báo CAND tiếp tục cập nhật nội dung của hội nghị quan trọng này.
Nguồn: cand.com.vn