Tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác quản trị An ninh phi truyền thống khu vực ASEAN
Cập nhật ngày: 18-10-2022
Quản trị An ninh phi truyền thống (ANPTT) trong khu vực ASEAN là vấn đề rất lớn, cả về lí luận và thực tiễn, giúp xác định chúng ta đang đứng ở đâu, mục tiêu của chúng ta là gì, quản trị quốc gia như thế nào? ANPTT mang tính xuyên quốc gia, không trừ một quốc gia nào; mang tính phi Chính phủ; chồng lấn giữa an ninh truyền thống, ANPTT, vấn đề này còn mang tính toàn cầu, do đó, diễn đàn cần làm rõ mối quan hệ giữa an ninh truyền thống và ANPTT...
Ngày 17/10, Viện An ninh phi truyền thống thuộc Trường Quản trị và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức “Diễn đàn hợp tác quản trị An ninh phi truyền thống (ANPTT) khu vực ASEAN”. Đây là diễn đàn khu vực ASEAN về ANPTT lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Dự diễn đàn có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lí luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS.TS Bùi Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống; PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh.
Cùng dự diễn đàn còn có đại sứ một số quốc gia tại Việt Nam và đại diện nhiều sứ quán tại Việt Nam; các nhà khoa học, học giả tham gia tại đầu cầu trực tuyến tại một số quốc gia.
Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm cho biết, ngày 4/11/2002 tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, những người đứng đầu các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực ANPTT.
Trong 20 năm qua, nhiều hoạt động hợp tác về An ninh phi truyền thống và Quản trị ANPTT đã được tiến hành ở các quốc gia thành viên ASEAN và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về xây dựng chính sách, pháp luật, hợp tác phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa ANPTT, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Với việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 với ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, trong những năm qua, các nước ASEAN đã và đang thiết lập nhiều cơ chế hợp tác an ninh nói chung, hợp tác ANPTT nói riêng.
Nhiều sáng kiến ASEAN về hợp tác ứng phó với các mối đe dọa ANPTT, trong đó có đại dịch COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và thiết lập trong những năm qua. Nhiều mô hình đào tạo và hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về Quản trị ANPTT đã được triển khai tại Việt Nam (trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường Quản trị và Kinh doanh, Viện An ninh phi truyền thống, các học viện, nhà trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng), Trường phái An ninh phi truyền thống thuộc Trường Nanyang Technological University, Singapore...
Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, để tăng cường hợp tác ASEAN trước các mối đe dọa ANPTT trong khu vực,diễn đàn tiếp cận từ 3 góc độ: Cơ chế, chính sách, pháp luật về ANPTT; nghiên cứu khoa học và đào tạo về ANPTT; quản trị, thực thi ANPTT. Diễn đàn phấn đấu trở thành một "diễn đàn thường niên" của các nước ASEAN, có sự tham gia của các các nhà quản lý, các học giả, nhà khoa học các nước ASEAN và các nước đối tác ASEAN...
Phát biểu tại diễn đàn, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho hay, quản trị ANPTT trong khu vực ASEAN là vấn đề rất lớn, cả về lí luận và thực tiễn, đặt ra vấn đề hiện chúng ta đang đứng ở đâu, mục tiêu của chúng ta là gì, quản trị quốc gia như thế nào?
Nhiều nhà khoa học đưa ra các nội hàm khác nhau về ANPTT nhưng Liên hợp quốc đưa ra 10 nguy cơ, trong đó có nguy cơ từ khủng bố, ma túy, thảm họa môi trường, dịch bệnh, buôn người... Một số cuộc họp tại Liên hợp quốc, hay tại New York (Mỹ) và một số nước đã bàn về vấn đề này, đã xác định những rủi ro, nguy cơ toàn cầu, trong đó có thảm họa môi trường, sụp đổ hệ sinh thái, khủng hoảng nguồn nước, lương thực, nhất là các nước ASEAN.
ANPTT mang tính xuyên quốc gia, không trừ một quốc gia nào, mang tính phi Chính phủ, chồng lấn giữa an ninh truyền thống và ANPTT và mang tính toàn cầu, đồng thời vừa có tính chất bạo lực, vừa tính chất phi bạo lực. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đề nghị diễn đàn này cần làm rõ mối quan hệ giữa an ninh truyền thống và ANPTT.
"Hợp tác ASEAN trong những năm qua đưa ra 3 trụ cột là rất cần thiết, chúng ta phải nhận thức đầy đủ nội hàm của ANPTT trong giai đoạn hiện nay. Đó là quản trị quốc gia như thế nào? Thế giới đưa ra 5 nguyên tắc để quản trị, trong đó có nguyên tắc pháp quyền, thượng tôn pháp luật; nguyên tắc sự tham gia của tất cả các quốc gia; đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang diễn ra; nguyên tắc quản trị dựa trên nền tảng công nghệ số và nguyên tắc phải đảm bảo đo lường, đánh giá được các vấn đề, không thể chung chung... Nghiên cứu về ANPTT phải chủ động, không được bị động. Phải tăng cường hợp tác ASEAN trên lĩnh vực học thuật, chia sẻ những bài học thành công và cả bài học không thành công", Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành nêu vấn đề.
GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia chia sẻ, ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cốt và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Với sứ mạng đó, trong những năm qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tiên phong đi đầu trong triển khai nghiên cứu và đào tạo về ANPTT, quản trị ANPTT. Từ năm 2014, Khoa Quản trị và Kinh doanh (nay là Trường Quản trị và Kinh doanh) trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức đào tạo bậc học đại học và sau đại học về quản trị ANPTT; đồng thời, đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về quản trị ANPTT cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn.
Năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội đã thành lập và phát triển Viện ANPTT, đặt tại Trường Quản trị và Kinh doanh. Đây là cơ quan nghiên cứu khoa học liên ngành về lĩnh vực ANPTT đầu tiên ở Việt Nam. Việc tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo về ANPTT, quản trị ANPTT nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn tại Việt Nam góp phần xây dựng tư duy, nhận thức mới về bảo vệ an ninh quốc gia, từng bước xây dựng và phát triển trường phái học thuật về Quản trị ANPTT; đồng thời, cùng các đơn vị khác, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng quản trị trên các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững và bảo đảm an ninh của đất nước.
"Để đạt mục tiêu đó, chúng tôi nhận thấy cần phải tăng cường hợp tác quốc tế (trong đó, có hợp tác trong khu vực ASEAN) về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực quản trị ANPTT. Theo đó, cần hình thành cơ chế hợp tác, trao đổi học thuật, chuyển giao tri thức, đào tạo nguồn nhân lực về quản trị ANPTT giữa ĐH Quốc gia Hà Nội với cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các nhà khoa học trong khu vực ASEAN và đối tác của ASEAN; thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm khoa học, trao đổi kinh nghiệm về quản trị ANPTT; phối hợp xuất bản các ấn phẩm; trao đổi sinh viên, học viên, giảng viên và nghiên cứu viên...", GS Lê Quân cho hay.
Tại diễn đàn, các học giả, nhà khoa học đã tập trung thảo luận về tác động của các vấn đề ANPTT tới từng quốc gia; đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và quản trị ANPTT, từ chính sách đến chiến lược, hành động; chia sẻ tri thức về ANPTT...