CÔNG AN BẠC LIÊU
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại
Cập nhật ngày: 17-10-2022, lượt xem: 95
Sáng 16/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt với Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Cùng dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và gần 70 đại biểu là Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại -0
Thủ tướng đánh giá cao ngành ngân hàng đã luôn ứng phó kịp thời những khó khăn, thách thức từ bên ngoài và bên trong trong suốt thời gian qua - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mong muốn hệ thống ngân hàng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức rất lớn hiện nay và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi đến các đại biểu, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành ngân hàng lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Cách đây hơn 2 tháng, vào ngày 4/8/2022, Thủ tướng cùng Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc với lãnh đạo các ngân hàng thương mại để cùng trao đổi, đánh giá về thực trạng tình hình và chuyển tải 2 thông điệp quan trọng: (1) Nỗ lực tiết giảm chi phí, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng và nền kinh tế; (2) Chủ động, tích cực tham gia các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là chương trình tín dụng nhà ở xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hệ thống ngân hàng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức rất lớn hiện nay và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại buổi gặp mặt hôm nay, cùng với 2 thông điệp trên, Thủ tướng mong muốn các đại biểu cùng bàn kỹ, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm về 3 nội dung trọng tâm: (1) Chúc mừng lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, cảm ơn sự đóng góp kịp thời, thiết thực, hiệu quả của các ngân hàng thương mại cho công tác phòng chống dịch COVID-19; (2) Đánh giá thực trạng tình hình hệ thống ngân hàng 9 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng những tháng cuối năm 2022 và năm 2023; (3) Xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng phân tích trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt khả năng dự báo, khó khăn hơn nhiều so với cuối năm 2021 khi chúng ta xây dựng chương trình, kế hoạch năm 2022 . Xung đột Nga-Ukraine xảy ra và kéo dài; lạm phát tăng cao, xu hướng tăng mạnh lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước đến suy giảm tăng trưởng và nguy cơ suy thoái, mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực; biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt cực đoan…

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nền kinh tế chịu tác động rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trong suốt 2 năm 2020-2021; trong khi nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, có độ mở lớn, khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế trước những tác động, áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Nhiệm vụ đặt ra ngày càng nặng nề khi chúng ta vừa phải nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đồng thời tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, ứng phó kịp thời với những biến động tình hình thế giới, trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại -0
Gần 70 đại biểu là Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam.dự cuộc gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh rất khó khăn đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình KT-XH trong 9 tháng đầu năm phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Thủ tướng nêu rõ trong kết quả đó, có đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng. Nhìn chung, ngành ngân hàng đã thực hiện rất tốt, đồng thời 2 nhiệm vụ: Vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế.

"Chúng ta đánh giá cao ngành ngân hàng đã luôn ứng phó kịp thời những khó khăn, thách thức từ bên ngoài và bên trong trong suốt thời gian qua", Thủ tướng phát biểu.

Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn; cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt hơn; xung đột ở Ukraine tiềm ẩn nguy hiểm hơn; lãi suất cao, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài, nhiều quốc gia phải đối mặt với nguy cơ suy thoái; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, mất an ninh năng lượng, lương thực tăng mạnh… Các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong cả năm 2022 và 2023.

Bối cảnh đó, cùng với những khó khăn, thách thức nội tại của nền kinh tế càng tạo ra những khó khăn, thách thức lớn hơn đổi với công tác chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không hoang mang, lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà luôn giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tình hình thế giới, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội, trong nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước để tổ chức thực hiện có hiệu quả.


Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác