CÔNG AN BẠC LIÊU
Công tác cán bộ trở nên “tròn khâu”
Cập nhật ngày: 12-10-2022, lượt xem: 85
Kết luận số 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật được coi là chủ trương có ý nghĩa đột phá, giúp công tác cán bộ trở nên tròn khâu "có vào, có ra, có lên, có xuống" như quyết tâm chính trị của Đảng nhiều nhiệm kỳ qua.

Sau phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã thảo luận và quyết định một số nội dung về công tác cán bộ.

Trong đó, căn cứ quyết định hiện hành, ý kiến của các cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để 3 đồng chí thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm: Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Cũng tại ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương.

Công tác cán bộ trở nên “tròn khâu” -0
Tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để 3 trường hợp thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Việc 3 ông Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang, Huỳnh Tấn Việt thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương được thực hiện sau khi Bộ Chính trị thi hành các quyết định kỷ luật. Trong đó, quyết định kỷ luật ông Bùi Nhật Quang diễn ra trước phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 chỉ ít ngày. Tại phiên họp ngày 30-9, Bộ Chính trị kết luận: Ông Bùi Nhật Quang chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 (giai đoạn từ tháng 11/2019 đến tháng 8/2020) và nhiệm kỳ 2020-2025. Vi phạm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, Quy chế làm việc của Đảng ủy dẫn đến nội bộ Ban Thường vụ Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH mất đoàn kết; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát để Viện Hàn lâm KHXH và một số đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm kéo dài trong công tác cán bộ, quản lý sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; quản lý nghiên cứu khoa học, đào tạo; giải quyết khiếu nại, tố cáo; không thực hiện nghiêm chỉ đạo, kết luận của các tổ chức đảng cấp trên. Vi phạm, khuyết điểm của ông Bùi Nhật Quang gây hậu quả nghiêm trọng, mất đoàn kết nội bộ, bức xúc trong cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và bản thân. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Bùi Nhật Quang. Bộ Chính trị cũng đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính đối với ông Bùi Nhật Quang đồng bộ, kịp thời với kỷ luật đảng.

Trong những vi phạm được điểm tên, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý nghiên cứu khoa học, đào tạo. Nhiều năm nay, Học viện KHXH (thuộc Viện Hàn lâm KHXH) khiến nhiều người gọi là "lò ấp tiến sĩ" khi việc đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ có biểu hiện chạy theo số lượng, mang tính thương mại. Nhiều luận án tiến sĩ khi công bố khiến dư luận không nhịn được cười, không thể hiểu tại sao ở một viện dưới mác "Hàn lâm" đầy tri thức như vậy lại nghiên cứu những điều tưởng như chuyện tiếu lâm, xào xáo, "luộc" đề tài. Trước thực trạng đó, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận nhiều vấn đề về công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015-2019 của Viện Hàn lâm KHXH.

Theo kết luận thanh tra, Viện Hàn lâm KHXH ban hành các quy chế quản lý khoa học nhưng nội dung có nhiều điểm bất cập, không hợp lý, dẫn đến các đơn vị cấp dưới không tiếp thu kịp thời, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Quy trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ. Cụ thể, trong 7 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và của Viện Hàn lâm KHXH nhưng được phê duyệt dưới dạng đề tài cấp cơ sở, cấp bộ và bố trí kinh phí để thực hiện không hợp lý; có 3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ do văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ nhưng không nghiệm thu cấp bộ; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian; 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 67 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, nhiệm vụ khoa học cấp bộ của các đơn vị, căn cứ vào các quy chế quản lý khoa học do Viện Hàn lâm KHXH ban hành đã hết hiệu lực; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần; 75 đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu chậm tiến độ. Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều tình trạng nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở bất thường trong cùng một ngày tại một số đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KHXH. Những sai phạm nói trên tồn tại không phải đến nay mới phát sinh và trách nhiệm thuộc nhiều cá nhân, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Nhìn lại con đường sự nghiệp của ông Bùi Nhật Quang có thể thấy sự xán lạn của "hạt giống đỏ". Sinh năm 1975, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế năm 2003, khi mới 28 tuổi. Năm 2012, ở tuổi 37, ông được nhận học hàm phó giáo sư. Tháng 11/2019, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Đứng đầu Viện Hàn lâm - nơi được cho là quy tụ các nhà khoa học hàng đầu và các công trình nghiên cứu KHXH của nước nhà khi chỉ mới hơn 40 tuổi, điều đó rất đặc biệt. Với lý lịch như vậy, việc để xảy ra các hệ quả như hiện nay thực sự là điều đáng tiếc và là bài học cảnh tỉnh để phấn đấu, luyện rèn cho những cán bộ trẻ đương nhiệm.

Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để 3 trường hợp nói trên thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng là một điểm mới. Điều này khác với các hình thức kỷ luật cách chức, khai trừ các chức vụ trong Đảng.

Theo thông báo của Ban Chấp hành Trung ương, căn cứ quyết định hiện hành, ý kiến của các cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để 3 trường hợp nói trên thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Đáng chú ý, vấn đề này được thực hiện sau thời điểm Bộ Chính trị ban hành thông báo Kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Kết luận số 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật được coi là chủ trương có ý nghĩa đột phá, giúp công tác cán bộ trở nên tròn khâu "có vào, có ra, có lên, có xuống" như quyết tâm chính trị của Đảng nhiều nhiệm kỳ qua. Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định. Việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.

Theo kết luận của Bộ Chính trị, với cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ.


Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác