Chiều 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần hai về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội quyết định
Tờ trình do Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày cho biết, trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các biện pháp ứng phó theo cấp độ thảm hoạ, sự cố dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Do đó, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết.
Mục đích xây dựng dự án luật nhằm nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Dự thảo luật gồm 7 chương, 71 điều.
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Uỷ ban tán thành sự cần thiết ban hành luật như cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến phòng thủ dân sự mà Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Đồng thời, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội quyết định. Ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW "Về Phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo" đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là "xây dựng Luật Phòng thủ dân sự".
Về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy Phòng thủ dân sự (Điều 37), Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến tán thành với quy định tại điều này: "Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn". Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thành phần và phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp, lĩnh vực phụ trách để tham mưu, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Thường trực UBQPAN cơ bản tán thành việc thu gọn đầu mối để chủ động, linh hoạt trong triển khai nhưng đề nghị báo cáo rõ hơn về thực tế hoạt động của các ban này; tại khoản 2 chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ chính của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự và giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp; đồng thời nghiên cứu luật hóa quy định "Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự Quân khu" tại Nghị định số 02/2019/NĐ-CP.
Hợp nhất cơ quan chỉ đạo nhưng vẫn bảo đảm tính chuyên nghiệp của từng lực lượng
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình với việc sáp nhập các cơ quan để tinh gọn bộ máy, có sự chỉ đạo thống nhất, ứng phó với các thảm hoạ, sự cố. Tuy nhiên, ông đề nghị rà soát, nên chăng trong luật cần có những quy định nguyên tắc về vị trí, vai trò của cơ quan này, sau đó mới giao Chính phủ quy định chi tiết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết là tổ chức lại hay hợp nhất các cơ quan, hay vừa tổ chức lại vừa hợp nhất? Hay hợp nhất nhưng vẫn đảm bảo tính nhánh, tính chuyên nghiệp của từng lực lượng. Vì Ban chỉ đạo không làm thay nhiệm vụ của các bộ, ngành, trong khi chúng ta đã quy định lĩnh vực quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, như phòng cháy, chữa cháy là Bộ Công an; phòng, chống dịch là Bộ Y tế; phòng, chống thiên tai, bão lũ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
"Phải nghiên cứu cụ thể chứ không sau này triển khai khó. Chúng ta có hợp nhất nhưng vẫn tôn trọng trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành", Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đề nghị rà soát, bổ sung nội dung đầu tư trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách - vấn đề mà luật này đang "thiếu vắng".
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, thời kỳ ông còn là Phó Thủ tướng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng cháy rừng rất nhiều, trong khi trang bị cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy không có gì, chỉ có cái dao để phát cây thành đường ngăn cháy lan; ống thổi trong kho không có nhiều, phải phối hợp lực lượng chuyên ngành lấy thêm ống thổi từ Kiểm lâm về, chữa cháy xong lại mang trả.
"Có người đề xuất, sao cháy to vậy không điều trực thăng? Nhưng trực thăng chữa cháy phải chuyên dụng. Nên chăng rà soát lại, có chính sách đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng chuyên trách. Đất nước mình 100 triệu dân, rủi ro thiên tai, dịch bệnh rất cao, một trong những đất nước bị tổn thất nhất về biến đổi khí hậu. Trong khi chúng ta ngày càng có "của ăn của để", thu nhập bình quân đầu người tăng... thì tiềm lực cũng phải khác. Cần đầu tư lực lượng chuyên nghiệp, chuyên trách", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm. Cùng với đó chú trọng vấn đề "4 tại chỗ" trong phòng thủ dân sự, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu...