Chiều 22/8, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị tham vấn lãnh đạo cấp cao an ninh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Nga lần thứ hai diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Đại tướng Patrushev Nikolai Platonovich, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga; Trung tướng Hun Manith, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tình báo, Bộ Quốc phòng Campuchia đồng chủ trì Hội nghị; đại diện Ban Thư ký ASEAN và các Trưởng đoàn cấp cao an ninh các nước ASEAN tham dự Hội nghị.
Cùng dự còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc và lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.
Sau phát biểu khai mạc Hội nghị của Trung tướng Hun Manith và Đại tướng Patrushev Nikolai Platonovich, Trưởng đoàn các nước đã thảo luận về vấn đề ổn định chiến lược tại châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cơ chế kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí, tác động của nó đối với an ninh trong khu vực; tình hình an ninh, chính trị tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc.
Thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị trong bối cảnh cục diện chính trị - an ninh thế giới đang có những thay đổi hết sức sâu sắc, châu Á – Thái Bình Dương đối mặt với nhiều thách thức đan xen và ngày càng phức tạp, nổi lên là các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh mạng,…; cũng như các ý kiến phát biểu của Trưởng đoàn cấp cao an ninh các nước.
Trong bối cảnh đó, ASEAN tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực và là đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đã phát huy cao độ nội lực, nhất là hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên và sự hỗ trợ của các nước đối tác bạn bè, trong đó có Nga. Hơn 30 năm qua, ASEAN và Nga đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, vì hoà bình, ổn định và cùng phát triển.
Việt Nam đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Nga trong phối hợp ứng phó kịp thời và hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên. Việt Nam nhất quán ủng hộ việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Nga, mong muốn Nga tích cực phát huy vai trò nước lớn và đối tác quan trọng không thể thiếu của ASEAN, đóng góp ngày càng lớn hơn trách nhiệm và hiệu quả trong các nỗ lực đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin tại các cơ chế do ASEAN chủ trì.
Để tăng cường hợp tác giữa Nga và ASEAN trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Nga tích cực tham gia vào các Diễn đàn do ASEAN chủ trì, ủng hộ vai trò trung tâm và nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác và ứng phó với các thách thức nảy sinh, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực, ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông cũng như nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Đề nghị ASEAN và Nga đẩy mạnh hợp tác về các vấn đề an ninh truyền thống và những thách thức mới như phòng, chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao,…; nghiên cứu khả năng mở rộng, chia sẻ thông tin nghiệp vụ giữa các cơ quan thực thi pháp luật ASEAN và Nga, xây dựng cơ chế điều phối quan hệ ASEAN – Nga ở cấp Bộ trong đấu tranh với khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; đẩy mạnh tham vấn để có thể tiến tới ký kết Nghị định thư “Hiệp ước Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân”; phối hợp triển khai hiệu quả “Tuyên bố chung ASEAN – Nga trong lĩnh vực đấu tranh và giải quyết vấn đề ma tuý toàn cầu” cũng như cơ chế “Đối thoại ASEAN – Nga về các vấn đề an ninh trong công nghệ thông tin”.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Việt Nam nhất quán ủng hộ việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Nga, mong muốn Nga đóng góp ngày càng lớn hơn trách nhiệm và hiệu quả trong các nỗ lực đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin tại các cơ chế do ASEAN chủ trì; cam kết làm hết sức mình phối hợp cùng các nước ASEAN và Nga “hành động cùng ứng phó các thách thức”, hướng đến “một khu vực hoà bình, ổn định, bền vững” và “ASEAN không có ma tuý”.