Hội thảo do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao việc Viện Kinh tế Việt Nam và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức hội thảo. Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng, là dịp các nhà khoa học, các nhà quản lý trao đổi để mổ xẻ vấn đề chính sách đất đai từ nhiều chiều cạnh, để từ đó có cơ sở đề xuất giải pháp để xử lý những vấn đề mang tính “căn cơ” đang đặt ra đối với chính sách, pháp luật đất đai; đồng thời có những kiến nghị mang tính “đột phá” nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thị trường đất đai để giải phóng nguồn lực đất đai, để thị trường đất đai thực sự trở thành nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuấn nhận định: Cùng với sự phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan tới công tác quản lý đất đai đã dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay, nguồn lực đất đai chưa thực sự được khai thác và sử dụng có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng. Còn tồn tại không ít vấn đề nổi cộm về quản lý và khai thác, sử dụng đất.
Trên cơ sở nhận thức rõ ràng những hạn chế, tồn tại trong khai thác nguồn lực đất đai là một trong những điểm nghẽn quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đất đai, đề ra nhiệm vụ: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”. Trong đó, những nội dung được ưu tiên hàng đầu là xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất…
Những chủ trương, chính sách trên của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ là cơ sở để các cơ quan, các cấp có thẩm quyền nhanh chóng triển khai, áp dụng vào thực tiễn giúp nước ta khai thác được giá trị tài nguyên đất một cách bền vững. Đây cũng chính là những nội dung lớn của cuộc hội thảo “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết trong 2 phiên thảo luận: Những điểm nghẽn trong thị trường đất đai ở Việt Nam; Một số định hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách đất đai trong bối cảnh mới. Trong đó, PGS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân tích, làm sáng tỏ nhiều vấn đề quanh nguồn thu từ đất và vốn hoá từ đất. PGS.TS Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ nhiều giải pháp về đổi mới và hoàn thiện quan hệ sở hữu đất đai trong thời gian tới. Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cũng phân tích và đưa ra nhiều giải pháp về chính sách đối với những bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay…
Theo Ban tổ chức, các ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc thành báo cáo kiến nghị chính sách để gửi đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách về đất đai trong giai đoạn tới, đặc biệt là phục vụ chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và đánh giá 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013.