Nhiều hiện tượng bất thường liên quan đến mua bán đất đai
Cập nhật ngày: 16-02-2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập tình trạng bất thường liên quan mua bán đất đai, như giá ký hợp đồng khác giá bán thực tế; thoả thuận mua bán nhưng khi ký hợp đồng không chặt chẽ nên giá đất lên cao; có loại mua bán đất nhưng không tạo dòng tiền mà tạo doanh thu ảo...
Sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội.
Kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ Cục Lãnh sự, tình trạng khan hiếm xăng
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cử tri và Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao Quốc hội, UBTVQH với tinh thần chủ động vào cuộc "từ sớm, từ xa", đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Trên cơ sở Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KTXH), Chính phủ đã khẩn trương, kịp thời ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Việc ban hành Nghị quyết này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam và cả quốc tế, là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Cử tri và Nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, chúc Tết gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, CBCS lực lượng vũ trang, bác sỹ, nhân viên y tế, người lao động làm nhiệm vụ trực trong dịp Tết, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, tạo sự lan tỏa, ấm áp toàn xã hội.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước ổn định.
Ngoài các nội dung kiến nghị, phản ánh chung về KTXH, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm và kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm minh sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân; về số ca nhiễm COVID-19 tăng cao sau những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán; về chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp tại trường; về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; về tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; về tình trạng khan hiếm xăng trong thời gian gần đây do một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng, giá xăng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân; về việc nhiều đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, Zalo ảo rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả...
Cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện, qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự. Cụ thể như, khiếu kiện liên quan đến đất đai, cưỡng chế thu hồi đất xảy ra và tập trung chủ yếu tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao. Nội dung chủ yếu là tố cáo liên quan đến việc triển khai, ô nhiễm môi trường, công nhân, người lao động một số khu công nghiệp đình công, phản đối, đòi quyền lợi...
Qua thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu nhiều hiện tượng bất thường nổi lên gần đây liên quan đến mua bán đất đai. Như giá ký hợp đồng khác giá bán thực tế; thoả thuận mua bán nhưng khi ký hợp đồng không chặt chẽ nên giá đất lên cao thì người bán không muốn bán nữa; có loại mua bán đất nhưng không tạo dòng tiền, chuyển nhượng như biện pháp kỹ thuật tạo doanh thu ảo... "Đây là dạng không bình thường. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng khi tiếp nhận xử lý cần khách quan, tỉnh táo, thận trọng. Các cơ quan của Quốc hội cũng cần giám sát để đảm bảo xử lý cho đúng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Làm rõ vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, vụ Kit xét nghiệm của Công ty Việt Á
Cũng liên quan vấn đề đất đai, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị cần làm rõ nhiều vấn đề từ vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Cho rằng, việc đưa vụ Kit xét nghiệm của Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đao Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo nhận được sự đồng tình rất cao của dư luận; mong muốn làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hay chất lượng sản phẩm, quy trình đấu thầu... Vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cần có thêm các biện pháp khác hiệu quả hơn.
Đề cập thông tin báo chí phản ánh về vụ "bắt vợ" tại Hà Giang dịp Tết vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, của địa phương trên tinh thần "bất cứ việc gì xảy ra mà tác động đến xã hội thì phải chủ động vào cuộc sớm". Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban Dân nguyện phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cùng cơ quan liên quan lập danh mục hồ sơ đề xuất những vụ việc phức tạp kéo dài để UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội theo dõi, đôn đốc, giải quyết dứt điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua tìm hiểu sơ bộ thì 4 thanh thiếu niên trong sự việc nêu trên có quen biết nhau và khả năng gây hậu quả nghiêm trọng của vụ việc là chưa có. Tuy nhiên, "bắt vợ" là hủ tục không nên và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục sẽ tổ chức giải trình hoặc giám sát để có đề xuất giải pháp để giải quyết...