Kinh tế Thủ đô đang dần phục hồi và tăng trưởng
Cập nhật ngày: 8-12-2021
 
Sáng 7/12, tại phiên khai mạc, kỳ họp thứ ba, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2022 của TP.
 

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội.

Đặt mục tiêu dự kiến GRDP năm 2022 tăng từ 7,0 – 7,5%

Theo ông Hải, đến nay, kinh tế của Thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý III. Dự kiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 của TP tăng 2,35-3%. Theo cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê, GRDP trong 6 tháng đầu năm 2021 của TP tăng 6,02%; 9 tháng tăng 1,44% (do tác động của dịch bệnh, GRDP quý III tăng trưởng âm 6,89%), quý IV tăng 6,69% và GRDP cả năm 2021 của TP tăng 2,92%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng 1,9-2,4%.

Cùng với đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 255.089 tỷ đồng, đạt 108,3% dự toán Trung ương giao. Các cấp, các ngành của TP sẽ nỗ lực, cố gắng để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất chỉ tiêu được giao (theo cập nhật mới nhất của các ngành đến thời điểm hiện tại, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 108,3% dự toán trung ương giao, đạt 101,5% so với dự toán HĐND TP giao và tăng 13.193 tỷ đồng so với số đã báo cáo HĐND TP).

Năm 2021, môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội tiếp tục được cải thiện với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ (TP có trên 25.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 345.000 tỷ đồng). TP đã thành lập “Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021”, “Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, dự báo năm 2022, tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi, cơ hội nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thủ đô. UBND TP đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022 (với 5 nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường) với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đối với việc thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp tục tận dụng có hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với đó là tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh gắn với triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, triển khai đồng bộ, kịp thời các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của trung ương và thành phố; tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND TP về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, GRDP tăng 7-7,5%; GRDP/người từ 139 đến 141 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; kiểm soát chỉ số CPI dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo so với năm 2021.

Kinh tế Thủ đô đang dần phục hồi và tăng trưởng -0
Toàn cảnh phiên khai mạc HĐND TP Hà Nội ngày 7/12.

Gia hạn các dự án bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã xem xét, thảo luận kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 và tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP. Theo báo cáo của UBND TP, tỷ lệ giải ngân chung toàn TP đến thời điểm 26/11/2021 mới đạt 44,4%.

Ước năm 2021, toàn TP sẽ giải ngân được 38.887 tỷ đồng, đạt 84,3% kế hoạch TP giao và bằng 93,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Về khả năng cân đối nguồn vốn năm 2022, theo dự kiến, nguồn vốn đầu tư công của TP năm 2022 là 51.072, 9 tỷ đồng, thấp hơn dự kiến của T.Ư 510 tỷ đồng, do dành nguồn chi đầu tư phát triển để chi trả nợ lãi, phí các khoản vay là 510 tỷ đồng.

Năm 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, T.Ư không tính toán khoản chi này và địa phương phải cân đối trong dự toán ngân sách giao. Trong đó, kế hoạch đầu tư công ngân sách cấp TP là 34.376,9 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 16.696 tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, UBND TP đề xuất bố trí mức dự phòng 1.500 tỷ đồng trong kế hoạch năm 2022 và dự nguồn một khoản kinh phí công tác giải phóng mặt bằng thanh toán theo cơ chế linh hoạt, xây dựng hạ tầng các khu đấu giá cấp TP. Đồng thời cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với các dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022 do năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19…

Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đã thống nhất các danh mục dự án được cập nhật vào danh mục đầu tư công trung hạn đối với các dự án có sử dụng ngân sách Trung ương và các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định. Đối với 6 dự án tại biểu 11 là các dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm và danh mục các dự án cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, đề nghị UBND TP giao nhiệm vụ và chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương chuẩn bị thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, làm cơ sở chính thức đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 của TP.

Danh mục 39 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 của TP đã được báo cáo, thông qua Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất và đề nghị UBND TP xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các dự án, công trình trọng điểm này trên tinh thần quyết tâm, quyết liệt cao nhất, chủ động xác định các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ và tuân thủ quy định pháp luật.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Thực tế đang đặt ra khó khăn, thử thách lớn cho Hà Nội trong kiểm soát dịch bệnh

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, giai đoạn từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc SARS-CoV-2 trên địa bàn TP tăng mạnh, với hơn 9.300 ca, bình quân 173 ca/ngày; trong đó gần 40% số ca ngoài cộng đồng. Đặc biệt, trong tuần từ 29/11 đến ngày 5/12, số ca mắc mới dao động ở mức từ 400 đến 600 ca; đến ngày 6/12 ghi nhận số ca mắc kỷ lục 774 ca. TP vẫn còn 60 điểm phong tỏa, 9 chùm ca bệnh và con số này sẽ chưa dừng lại. “Có thể nói, dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra phức tạp, nghiêm trọng và gây khó khăn rất lớn cho công tác truy vết, khoanh vùng và kiểm soát”, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng nói. Ông cũng thẳng thắn chỉ rõ còn những tồn tại hạn chế. Đó là xuất hiện tình trạng lúng túng trong triển khai, tổ chức thực hiện ở cấp quận, huyện và cơ sở; thậm chí có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là trong việc quyết định biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, quyết định cho cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Đặc biệt, tâm lý chủ quan đang ngày càng phổ biến đối với cả cơ quan có trách nhiệm và người dân. Tình trạng đi lại, tụ tập ăn uống đông người mà không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch ngày càng nhiều. Thực tế đang đặt ra khó khăn, thử thách rất lớn đối với các cấp TP trong kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân.

Trước tình hình đó, chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phòng, chống COVID-19 những ngày tới, thay mặt Thường trực Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc quan điểm phòng, chống dịch COVID-19 phải tập trung từ gốc là cơ sở phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố, thậm chí tới từng hộ gia đình; lấy người dân là chủ thể, trung tâm của mọi biện pháp. Thường trực Thành ủy yêu cầu UBND TP ban hành văn bản làm rõ quy định về phân cấp, giao quyền trong xác định mức độ dịch và quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ dịch trên địa bàn cho UBND các quận, huyện, thị xã; cần thiết tổ chức tập huấn, huấn luyện phương án, cách thức xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh cho địa phương. Đặc biệt chú trọng kế hoạch tăng cường thanh tra công vụ đột xuất để đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân; kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt và phê bình, kỷ luật nghiêm đối với nơi còn yếu kém. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy tinh thần chủ động, trước hết thực hiện đúng, đủ yêu cầu, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Bí thư cấp ủy chịu trách nhiệm trước Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND cùng cấp chịu trách nhiệm trước UBND TP về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền phải chủ động xem xét, đánh giá và ra quyết định; tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ. Tập trung phân loại nhanh các ca F0, cập nhật ngay dữ liệu lên hệ thống và phối hợp thường xuyên để phân tầng điều trị bảo đảm chính xác, kịp thời; nâng cao năng lực điều trị tại các tầng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong; tuyệt đối không đẩy ca F0 thể nhẹ lên tuyến trên gây quá tải cho các tầng điều trị bệnh nhân nặng hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch chung của TP. Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo mở đợt tổng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 toàn TP, tập trung vào những địa bàn trọng tâm, trọng điểm như các khu cách ly, thu dung, trạm y tế lưu động, khu công nghiệp và cấp phường, xã, thị trấn... 15 đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy theo phân công tiếp tục theo sát địa bàn; tăng cường kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các quận, huyện, thị xã, sự phối hợp của các cơ quan liên quan và việc tổ chức thực hiện ở tuyến cơ sở, các địa bàn “nóng” như khu công nghiệp, trường học, hoạt động của các trạm y tế lưu động, việc thực hiện cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà...  Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho những người chưa được tiêm, nhất là người có bệnh nền và học sinh cấp trung học cơ sở; tiêm mũi 2 cho học sinh cấp trung học phổ thông đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm mũi 3 cho đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo: cand.com.vn