Hội thảo do Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức nhằm xây dựng cơ chế thông suốt trong công tác quản lý, bảo vệ đất đai, tài nguyên đặc biệt của quốc gia.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN cho biết, Luật Đất đai hiện hành được Quốc hội ban hành năm 2013 đã giải quyết được một cách tương đối hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến quản lý nhà nước đối với đất đai, vấn đề chiếm hữu, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đất, so với các Luật Đất đai ban hành trong các thời kỳ trước.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội Việt Nam những năm gần đây đã làm nảy sinh những vấn đề pháp lý mới mà pháp luật đất đai hiện hành chưa được đề cập đến. Đó là còn có nhiều chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách và pháp luật đất đai với các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phòng chống tham nhũng,… Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững, để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra…
Trước thực trạng này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về đất đai để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng đất; nhu cầu cấp bách về sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013 đã được Quốc hội Khóa XV đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần một tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần hai tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
PGS.TS Ngô Huy Cương nhận định, chính sách và pháp luật về đất đai ở Việt Nam đang bộc lộ một số bất cập. Việc sửa đổi, cải cách căn bản và toàn diện chính sách và pháp luật về đất đai hiện nay là nhu cầu cấp bách để giảm bớt sự bất bình đẳng và xung đột trong đời sống xã hội có nguy cơ ảnh hưởng tới cả an ninh và quốc phòng.
Giới thiệu về quy chế ruộng công của làng xã Việt Nam thời phong kiến và chỉ ra một số bài học cần rút ra để giải quyết khó khăn trong xã hội Việt Nam hiện nay, GS.TS Nguyễn Đăng Dung cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp đất đai, một trong số nguyên nhân đó là pháp luật chưa ứng xử đúng với đất đai. Do đó, các nhà làm luật cần soi chiếu với những quy định tạo nên tính nhân văn và bảo tồn diện tích sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh, hệ thống quản lý đất đai thống nhất, hiệu lực, hiệu quả là tiền đề để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chỉ ra một số giải pháp nhằm đổi mới hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý đất đai ở Việt Nam. Việc quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai sẽ đem tới những lợi thế cạnh tranh và tạo ra một xã hội ổn định và thịnh vượng.
Theo: cand.com.vn