Chiều 19/11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong CAND.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị về phía khách mời có đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao ; đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao.
Về phía đại biểu Bộ Công an có Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Viện KSND, kiểm sát viên cấp tỉnh, huyện…
Triển khai khẩn trương, trách nhiệm, chặt chẽ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, Hội nghị nhằm mục đích quán triệt các nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đến tất cả Công an các địa phương, đặt biệt là lực lượng có liên quan đến công tác điều tra hình sự trong CAND; đồng thời, hướng dẫn các nội dung cụ thể để Công an địa phương chủ động triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2021.
Ngày 12/11/2021, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự như: Khoản 3 điều 146, khoản 1 điều 148, khoản 1 điều 229, khoản 1 điều 247... Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2021. Trong Luật này đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam, bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ vụ án với lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh; đồng thời, Luật đã bổ sung trách nhiệm “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã tương đương như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an.
Để chủ động triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ Công an đã có Kế hoạch số 466 ngày 10/11/2021, trong đó đã đề ra mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về rà soát, xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; bố trí đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ trong hoạt động tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; rà soát, đánh giá, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện những quy định cụ thể trong Luật. Kế hoạch đã phân công cụ thể các đơn vị chủ trì thực hiện các nhiệm vụ và tiến độ hoàn thành.
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp - Bộ Công an đã báo cáo những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Hình sự; những quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Thiếu tướng Hoàng Đức Lừng, Cục trưởng Cục Tổ chức Cán bộ trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình kết quả triển khai tổ chức Công an xã chính quy và dự kiến một số nội dung hướng dẫn Công an địa phương thực hiện rà soát, lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực phù hợp, bảo đảm để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ điều tra hình sự của Công an xã.
Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an báo cáo những nội dung cơ bản về việc triển khai thi hành khoản 3, Điều 146 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2021.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thủy chia sẻ về quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng Hình sự; công tác triển khai thi hành Luật.
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, mặc dù dự án Luật diễn ra trong thời gian ngắn quá trình xây dựng nhưng các đồng chí trong cơ quan soạn thảo đặc biệt phía Bộ Công an đã nhanh chóng cung cấp tài liệu thông tin ngay từ đầu.
Tại Quốc hội đã đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự là Luật “mở hàng” cho Quốc hội khóa XV, được triển khai khẩn trương, trách nhiệm, chặt chẽ và là trong những tín hiệu rất tốt cho công tác Luật pháp của Quốc hội, cũng như công tác ban hành các văn bản quy định chi tiết của các cơ quan khóa này.
Theo đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự đã đạt được 3 nội dung quan trọng. Trong đó, bổ sung các nội dung liên quan đến căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án với lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh rất kịp thời, phù hợp lý với tình hình hiện nay của Bộ Công an.
Bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự vừa được Quốc hội thông qua là một đạo luật rất quan trọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thời gian vừa qua và trong thời gian tới. Các quy định của Luật có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng CAND.
Để triển khai có hiệu quả, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục lựa chọn, bố trí cán bộ Công an chính quy về công tác tại Công an cấp xã. Đây là vấn đề rất quan trọng, có yếu tố quyết định đến hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp xã, trong đó có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm.
Do vậy, Thủ trưởng Công an các địa phương cần khẩn trương có kế hoạch tiếp tục lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực phù hợp, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Công an cấp xã. Có thể trong thời gian đầu sẽ có một số khó khăn ở một số đơn vị khi điều động cán bộ xuống Công an cấp xã, tuy nhiên khi chúng ta củng cố được lực lượng Công an cấp xã và phát huy được vai trò, trách nhiệm của Công an cấp xã trong quản lý Nhà nước về ANTT và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa bàn cơ sở sẽ góp phần giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan Công an cấp trên.
“Chúng ta sẽ hoàn thiện được cách bố trí mô hình tổ chức và phân công nhiệm vụ phù hợp với từng cấp Công an bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, để lực lượng Công an cấp xã có thể đảm đương tốt các nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương cần phải tổ chức tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức nghiệp vụ để lực lượng này nắm vững, vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn công tác.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của Công an cấp xã, Thủ trưởng Công an các địa phương phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, xây dựng cơ chế, có kế hoạch thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy định của Ngành đối với lực lượng Công an cấp xã.
Từ đó, từng bước đưa hoạt động của Công an cấp xã vào nề nếp, chính quy. Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát cùng cấp để thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra hoạt động tiếp nhận, xử lý ban đầu tin báo, tố giác tội phạm của Công an cấp xã. Đây là các nhiệm vụ cần phải thực hiện thường xuyên, lâu dài.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc bố trí Công an chính quy về Công an xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời gian vừa qua, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã quyết liệt trong việc triển khai thực hiện chủ trương này, bước đầu đã đạt được các kết quả quan trọng.
Lãnh đạo Bộ cũng đã chủ động, khẩn trương phối hợp với Viện KSND Tối cao, báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội để bổ sung thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của Công an cấp xã. Như vậy, bước đầu đã đủ điều kiện về cán bộ, cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng này tại địa phương.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Thủ trưởng Công an các địa phương cần khẩn trương, quyết liệt tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật để phát huy được vai trò của lực lượng Công an cấp xã trong bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở.
Bên cạnh việc tổ chức triển khai các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự về bổ sung thẩm quyền kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, Công an các đơn vị, địa phương cần chủ động tổ chức triển khai tốt các quy định khác của Luật về đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTTP và việc bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án với lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tránh lạm dụng hoặc có tiêu cực trong các hoạt động này; đầu tư về cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất những điều kiện làm việc của Công an xã.
Sau Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương cần có kế hoạch để tiếp tục quán triệt, phổ biến các nội dung có liên quan cho các đơn vị thuộc quyền, đặc biệt lưu ý đến đội ngũ chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ Công an cấp xã…
Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, việc triển khai ứng dụng của Cơ sở dữ liệu Quốc về dân cư phục vụ đấu tranh phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho người dân. Trong đó, lực lượng Công an cơ sở sẽ phát huy kết quả của Cơ sở dữ liệu Quốc về dân cư đối với các ứng dụng có liên quan để phục vụ tốt nhất nhu cầu cuả Nhân dân.
Tính đến nay, Bộ Công an đã bố trí Công an chính quy đến tất cả 10569 xã, phường, thị trấn; trong đó có 48.381 đồng chí về công tác tại Công an xã, thị trấn.
Kể từ khi thực hiện chủ trương bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã đến nay, hiệu quả công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở có những chuyển biến tích cực, rõ nét được các đồng chí lãnh đạo ghi nhận; góp phần quan trọng trong việc kiềm chế tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội.
Năm 2020, tổng số vụ phạm pháp hình sự trên toàn quốc đã giảm được 5,43%, trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng số vụ phạm pháp hình sự trên toàn quốc giảm được 11,23%.