CÔNG AN BẠC LIÊU
Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể thiếu, là một động lực phát triển của dân tộc
Cập nhật ngày: 1-11-2021, lượt xem: 75
Chiều ngày 31/10 (theo giờ địa phương), tại thành phố Edinburgh, Scotland, nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ rất xúc động với cộng đồng người Việt Nam tại đây, sau gần 2 năm dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, tác động mạnh mẽ tới mỗi người trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể thiếu, là một động lực phát triển của dân tộc cùng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện nay có hơn 100 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Anh, Đại đa số đều đoàn kết, yêu nước, có nhiều hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đặc biệt đã có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống COVID-19, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Anh.
 

Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể thiếu, là một động lực phát triển của dân tộc -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dù ở đâu, nhìn thấy người Việt Nam nhất là lúc xa quê hương đều thấy ấm cúng - Ảnh TTXVN

Theo Đại sứ, có thể khẳng định quan hệ Việt-Anh phát triển tốt đẹp dựa vào nền tảng nguyện vọng, thiện chí, quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên, trong đó có đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Anh trong việc hưởng ứng, ủng hộ các chính sách, chủ trương của Chính phủ Việt Nam cũng như tích cực vận động các giới, các nhóm xã hội ở Anh ủng hộ mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt-Anh. Quan hệ Việt-Anh phát triển tốt đẹp đáp ứng đúng nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam tại Anh, cùng với sự phát triển ấy, vị thế của cộng đồng cũng từng bước được nâng cao, cơ hội phát triển ngày càng rộng mở, không chỉ tại Anh mà cả ở Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, các ý kiến đều bày tỏ xúc động khi Thủ tướng và đoàn đã dành thời gian gặp gỡ cộng đồng Việt Nam tại Anh trong lịch trình làm việc dày đặc, đây là sự động viên, quan tâm rất lớn với cộng đồng người Việt tại đây. Thời gian tới, cộng đồng người Việt Nam, các hội đoàn của người Việt sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động để bảo vệ, tôn vinh giá trị nền văn hoá, bản sắc Việt Nam tại Vương Quốc Anh cũng như nâng cao mối quan hệ, tình đoàn kết giữa hai dân tộc; tiếp tục xúc tiến, quảng bá đầu tư giữa hai nước…
 

Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể thiếu, là một động lực phát triển của dân tộc -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ rất xúc động với cộng đồng người Việt Nam tại Anh - Ảnh TTXVN

Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Anh đề xuất là khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, Chính phủ ưu tiên cho phép nối lại các chuyến bay trực tiếp giữa Việt Nam và Anh. Nhiều bà con mong muốn về nước. Ông Hoàng Việt Phương, Hội Doanh nghiệp người Việt tại Anh cho biết, trong 15 năm qua, thương mại song phương hai nước tăng 10 lần, lên khoảng 6,5 tỷ USD trong năm nay, đặc biệt Việt Nam và Anh đã ký kết UKVFTA, mở ra nhiều cơ hội giao thương, đầu tư, hợp tác. Sau hai năm kinh tế toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, các nhà đầu tư Anh đang tìm kiếm cơ hội hợp tác tại châu Á và Việt Nam. Do đó, ông đề nghị tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, cách ly với các nhà đầu tư.

GS Nguyễn Xuân Huấn từ Đại học Middlesex, thành viên Hội trí thức người Việt tại Anh, cho biết các trí thức người Việt luôn mong muốn cống hiến, hướng về đất nước, quê hương và sẽ mạnh dạn triển khai nhiều hoạt động chứ không chỉ chờ đợi “đề bài” từ trong nước. Ông đề nghị các cơ quan trong nước có thêm những cơ chế phù hợp, kênh thông tin trao đổi trực tiếp để tạo điều kiện cho kiều bào trong quá trình này. 

Sinh viên Lê Thị Tố Uyên, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh, thay mặt 13 nghìn học sinh, sinh viên tại đây báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác về tình hình học tập, sinh sống ở nơi sở tại. Em bày tỏ mong muốn và tin tưởng vào tương lai phát triển thịnh vượng của đất nước, đồng thời đề nghị các cơ quan trong nước tiếp tục tạo điều kiện để các học sinh, sinh viên học tập tốt, phát huy tốt nhất các kiến thức đã được học, cống hiến một phần nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
 

Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể thiếu, là một động lực phát triển của dân tộc -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình học tập của con em cộng đồng người Việt tại Anh - Ảnh VGP

 Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng bày tỏ xúc động được gặp mặt bà con trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi, đường sá xa xôi, phải thực hiện các biện phòng chống COVID-19 chặt chẽ nhưng không khí vẫn hết sức ấm áp, những phát biểu của đại diện bà con thể hiện sâu sắc tình cảm, tấm lòng dành cho đất nước, quê hương, đồng bào, đồng chí. “Dù ở đâu, quê hương mỗi người cũng chỉ có một. Ở đâu, chúng ta cũng là con Hồng, cháu Lạc. Dù ở đâu, nhìn thấy người Việt Nam nhất là lúc xa quê hương đều thấy ấm cúng, chúng ta tự tin dựa vào nhau vươn lên, khẳng định mình”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng nêu rõ, những thành quả mà đất nước ta có được ngày hôm nay là nhờ sự phấn đấu liên tục, nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn, cố gắng vượt bậc, đoàn kết đồng lòng của toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có đóng góp của kiều bào ta ở nước ngoài.

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và biểu dương cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Anh, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp thể hiện tinh thần tương thân tương ái hướng về quê hương, nhất là những đóng góp cho hoạt động phòng chống COVID-19 trong nước.

Thủ tướng phân tích, Việt Nam có xuất phát điểm là một nước nghèo nàn, lạc hậu, trải qua nhiều cuộc chiến tranh và sau đó là cấm vận kéo dài. Nhưng trong tình thế vô cùng khó khăn, từ chỗ “làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập”, bình quân thu nhập bình quân đầu người chưa đến 100 USD, chúng ta đã vươn lên. Sau 35 năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.500 USD, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định các mục tiêu tới năm 2025, 2030 và mục tiêu dài hạn đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đề ra Chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho 10 năm và kế hoạch 5 năm tới. Thủ tướng cho biết, chúng ta xây dựng nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong lúc khó khăn nhất bởi đại dịch COVID – 19 thời gian qua, chúng ta vẫn bảo đảm cơm ăn, áo mặc  cho 100 triệu người dân của chúng ta, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, ông vừa tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị liên quan, trong đó lần đầu tiên đại diện Vương quốc Anh tham dự. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam kiên định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đến nay, chúng ta ký 17 hiệp định thương mại tự do với 60 nước trên thế giới, bao gồm tất cả các thị trường, các đối tác lớn nhất.

Đồng thời, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông. Về vấn đề Biển Đông, quan điểm của Việt Nam là mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Thủ tướng khẳng định, về vấn đề này, chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh và được các nước ủng hộ.

Thông báo một số nét chính về tình hình trong nước năm 2021, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước.

Cũng trong năm 2021, chúng ta phải đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 rất cam go, khốc liệt với biến chủng Delta gây bất ngờ cho toàn thế giới. Đây là việc chưa có tiền lệ, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Dù điều kiện còn rất nhiều hạn chế, nhưng chúng ta dứt khoát quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc. Có những thời gian rất khó khăn, nhưng đến nay chúng ta đã vượt qua được giai đoạn cam go nhất và qua đó thêm trưởng thành, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đúc kết được các phương châm, công thức phòng chống dịch. Nhờ đó, đến nay, chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Về kinh tế - xã hội, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn bảo đảm, kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tăng, dự trữ ngoại tệ chưa sử dụng đồng nào… “Trong điều kiện khó khăn như thế mà làm được như vậy, đó là Việt Nam. Qua khó khăn để phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành”, Thủ tướng nhấn mạnh và bà con dành nhiều tràng vỗ tay ủng hộ quan điểm này của Thủ tướng.

Thủ tướng cũng chia sẻ, với vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam phải có cam kết mạnh mẽ với chủ đề của Hội nghị COP26, ủng hộ các sáng kiến toàn  cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, cho dù chúng ta còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các nguồn năng lượng phải có lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện, tình hình đất nước, giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người lao động.

Thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc và nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL-TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

“Người Việt Nam, dù ai ở đâu trên Trái Đất này cũng là con Hồng cháu Lạc, phải có trách nhiệm bảo vệ họ khi cần. Chúng ta xác định con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, là động lực và là mục tiêu cho sự phát triển, mọi người Việt Nam dù trong hay ngoài nước đều được đối xử như vậy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao phải luôn lắng nghe, chia sẻ, thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh, góp ý của đồng bào, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi đồng bào gặp khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số để thuận tiện nhất trong việc thực hiện các thủ tục cho bà con. Đồng thời, ông mong muốn cộng đồng người Việt tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.

Về các kiến nghị tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng giao các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền trong quá trình triển khai các công việc, nhiệm vụ. Về phần mình, Thủ tướng cho biết ông rất xúc động và mong muốn tiếp tục nhận được những ý tưởng đóng góp để phát triển đất nước từ kiều bào ta ở nước ngoài về mọi vấn đề, mọi lĩnh vực,xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.  

 

Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác