CÔNG AN BẠC LIÊU
Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu kép
Cập nhật ngày: 22-10-2021, lượt xem: 49
Dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân nhưng Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng. Và JICA cũng đang nghiên cứu các chương trình hợp tác hỗ trợ tài chính trong thời gian tới.

Hợp tác JICA phù hợp với mục tiêu kép của Việt Nam

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/10, ông Shimizu Akira nhấn mạnh, trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, người dân Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như thực hiện giãn cách xã hội, thu dung và điều trị các bệnh nhân COVID-19. Việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine đã giúp nhiều địa phương qua đỉnh điểm của dịch bệnh. Trong thời điểm đó, Nhật Bản cũng nỗ lực giúp Việt Nam như tặng hơn 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19; hơn 260 công ty Nhật Bản ủng hộ hơn 158,6 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19...

Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu kép -0
Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam (ngồi giữa) trong buổi họp báo

Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, đến nay, JICA đã tập trung hỗ trợ Việt Nam với 2 ưu tiên trọng điểmlà: tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho các bệnh viện tuyến trênvà tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, JICA đã viện trợ cho Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương hệ thống xét nghiệm PCR, Bệnh viện Bạch Mai hệ thống điều hòa không khí nhằm phòng ngừa lây nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế hệ thống ECMO, trang thiết bị cần thiết trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tổng trị giá các lần viện trợ là hơn 450 triệu yên (khoảng 91 tỷ đồng). Chưa hết, JICA còn tiến hành mua sắm thông qua UNICEF hộp lạnh bảo quản vaccine kèm thiết bị theo dõi nhiệt độ phục vụ cho việc vận chuyển vaccine, hỗ trợ tại một số tỉnh biên giới tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức Nhà nước trong điều tra và giám sát các bệnh truyền nhiễm, cung cấp thiết bị phòng ngừa dịch bệnh và cung cấp các trang thiết bị y tế dùng cho điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế với tổng số tiền viện trợ của các dự án là 800 triệu yên (khoảng 163 tỷ đồng).

70% tuyến quốc lộ được đầu tư, cải tạo bằng vốn vay Nhật Bản

Cũng theo Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam, từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, với 100 dự án lớn nhỏ tại Việt Nam,số tiền cam kết cho vay từ JICA là 49,4 tỷ yên (khoảng 10.041 tỷ đồng), hợp tác kỹ thuật không hoàn lại là 4,3 tỷ yên (khoảng 874 tỷ đồng) và viện trợ không hoàn lại là 2,1 tỷ yên (khoảng 427 tỷ đồng). 

Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu kép -0
Dự án Tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên được xây dựng bằng vốn ODA Nhật Bản

Những năm qua, bên cạnh các dự án công trình hạ tầng lớn như sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng biển quốc tế Lạch Huyện, các tuyến đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, JICA cũng triển khai hỗ trợ thực hiện nhiều dự án tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương, như cải tạo, xây dựng lại nhiều cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc nhiều tỉnh thành trên toàn quốc… Khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư, cải tạo thời gian qua thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản. Đồng thời, JICA cũng đang triển khai hỗ trợ nhiều dự án cải thiện đời sống của người dân như dự án xây dựng nhà máy điện, đường cao tốc lớn ở các đô thị vệ tinh, nhà máy xử lý nước. Các hợp tác vay vốn đầu tư của Nhật Bản đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng điện của Việt Nam…

Về các lĩnh vực mà JICA chú trọng trong thời gian tới, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ trương "cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế", các hợp tác của JICA cũng được tiến hành phù hợp với các chủ trương này. Theo đó, những dự án hợp tác của JICA tập trung cho “Đối phó với dịch bệnh COVID-19” và “Phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

JICA sẽ tận dụng các kinh nghiệm tích lũy trong các hợp tác từ trước đến nay, tìm kiếm các khả năng hợp tác mới để có thể góp phần củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế hiệu quả hơn nữa. Ưu tiên tiếp theo là việc ngăn truyền nhiễm, JICA đã và đang hỗ trợ xây dựng phòng xét nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh để tăng cường xét nghiệm và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo xuống các y tế tuyến dưới.

“Ngày 20/10, JICA cùng Ngân hàng ADB và Ngân hàng Sumitomo Mitsui đã ký kết khoản vay trị giá 75 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nhân nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo tại Việt Nam nhất là trong giai đoạn hậu Covid”, ông Shimizu bày tỏ và cho biết, JICA cũng đưa ra một số khuyến nghị cho quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam như: tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn trung và dài hạn từ các ngân hàng tư nhân; chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; triển khai sớm mô hình chăm sóc người cao tuổi, xây dựng hệ thống an sinh xã hội để thích ứng với quá trình già hóa dân số…

Theo: cand.com.vn

Các tin khác