CÔNG AN BẠC LIÊU
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Cần giám sát "đến nơi đến chốn", có trọng tâm
Cập nhật ngày: 23-09-2021, lượt xem: 55
Sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021".

Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày, đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội; Doanh nghiệp nhà nước; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phạm vi giám sát là tình hình thực hiện chính sách, pháp luật THTK, CLP trong khu vực công (không giám sát công tác THTK, CLP hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực tư nhân và tiêu dùng của nhân dân) từ 1/1/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Cần giám sát
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo.

Nội dung giám sát tập trung 5 lĩnh vực gồm: (1) Quản lý, sử dụng NSNN; (2) Quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; (3) Quản lý tài sản nhà nước; (4) Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; (5) Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. Đối với từng lĩnh vực cụ thể, dự thảo kế hoạch nêu cụ thể các nội dung trọng tâm, trọng điểm tập trung giám sát.

Nội dung chi tiết nêu trong Đề cương và Khung Đề cương yêu cầu Chính phủ, bộ, ngành, địa phương báo cáo báo cáo giám sát bám sát các quy định của Luật THTK,CLP, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác THTK,CLP và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK,CLP các năm giai đoạn 2016-2021.

"Yêu cầu làm rõ tình hình triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2021; các kết quả đạt được, trong đó chỉ rõ: các mô hình hay, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; các tồn tại, hạn chế; xác định nguyên nhân; chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, không kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Cần giám sát
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận.

Thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, việc đại biểu Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề này về THTK, CLP là rất trúng, người dân cũng kỳ vọng về kết quả giám sát, bên cạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được thực hiện quyết liệt.

"THTK, CLP là lĩnh vực rất lớn, quốc gia nào cũng chú ý, nhất là nước có nguồn lực còn hạn chế như chúng ta. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống một bộ phận cán bộ còn khó khăn nên nếu tiết kiệm được đồng nào thì ích lợi cho quốc gia đồng đó. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn mà không tiết kiệm thì có lỗi với dân. Nhiều khi thiệt hại do lãng phí còn lớn hơn hậu quả tham nhũng", ông nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm để báo cáo kết quả với cử tri và nhân dân bởi THTK, CLP cùng với phòng, chống tham nhũng và tiêu cực là "hai mũi giáp công" sẽ giải quyết được những tồn tại trong việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia cho phát triển nhanh và bền vững. Về phạm vi giám sát đối với 5 lĩnh vực như dự thảo nêu là rất rộng, do đó cần tính toán để xác định lĩnh vực cần đầu tư trọng điểm về nhân lực, vật lực.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Cần giám sát
Chủ tịch Quốc hội thảo luận tại phiên họp.

Với nhân lực, hiện nay khối công chức của cả hệ thống chính trị tỷ lệ quỹ lương hàng năm không lớn, nhưng xác định biên chế sự nghiệp thế nào để tiết kiệm lại là một vấn đề khó, chưa thống nhất cao về nhận thức cũng như tổ chức thực hiện. Thực tế không ít nơi "chỗ thừa vẫn để thừa mà chỗ thiếu vẫn đi xin". Nhiều địa phương phát triển, xã hội hoá tốt có khi không cần nhiều biên chế sự nghiệp là điều tốt, song những đô thị khác cũng cần tăng cường xã hội hoá hơn nữa để dành biên chế cho nơi khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần lựa chọn trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ, trong quản lý, khai thác và sử dụng đất thì phải chỉ rõ cả nước có bao nhiêu diện tích đất đã giao mà chưa thu tiền sử dụng đất, hay sử dụng không đúng mục đích? Nội dung giám sát cũng nên tập trung vào đầu tư công, sử dụng ngân sách vì chi họp hành, lễ tân, đi nước ngoài vẫn còn lãng phí, công trình dự án dở dang kéo dài...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nói THTK, CLP nghe đơn giản nhưng đi sâu vào lại toàn đại sự. Giám sát cần trả lời thẳng vào những câu hỏi như thế, chỉ rõ địa chỉ, trách nhiệm để không né tránh. "Tham nhũng mấy triệu là có chuyện, là bị xử lý hình sự rồi, giờ thất thoát lãng phí thế thì thế nào? Do đó giám sát phải đến nơi đến chốn, làm cho "ra môn ra khoai", làm cho có hiệu lực", ông nêu rõ.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác