“Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” - Đúng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) nhận định, 46 năm đã trôi qua nhưng càng lùi xa theo thời gian, tinh thần của chiến thắng 30/4/1975 ngày càng tỏa sáng, phát huy giá trị.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 một lần nữa đã minh chứng sinh động và rõ nét cho truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, hoà bình xuyên suốt ngàn đời của dân tộc ta. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc đó, hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống để giành độc lập, thống nhất đất nước. Đất nước được hoà bình, thống nhất, từ một dân tộc nghèo đói, gánh chịu nhiều mất mát đau thương từ các cuộc chiến tranh vệ quốc, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đất nước ta đã vượt lên chính mình, làm nên những dấu ấn, kỳ tích mới trong công cuộc đổi mới và hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020) của đất nước ta đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2015-2020 ước tăng khoảng 6,8%, đạt mục tiêu đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực. Quy mô GDP của Việt Nam hiện nay ước tính khoảng trên 340 tỷ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, trở thành nền kinh tế thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện với GDP bình quân đầu người ở mức 2.750 USD, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố và tăng cường.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, năng động, sáng tạo giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế vùng và cả nước. |
Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, khi cả thế giới phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch COVID -19 với số ca lây nhiễm tính đến đầu tháng 4-2021 là 115 triệu người, trong đó có 2,5 triệu người tử vong. Nền kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng nặng nề trên các lĩnh vực. Bằng sự lãnh đạo đúng đắn, những quyết sách kịp thời của Đảng, Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, chúng ta không những ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh mà còn thực hiện thành công được “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2020 Việt Nam liên tục được các hãng truyền thông quốc tế lớn nhắc đến như một biểu tượng về sự thành công trong chống dịch và phát triển kinh tế, với hình ảnh một “bình minh đang lên”, “ngôi sao toả sáng”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Đất nước có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày hôm nay là nhờ có sức mạnh của ý Đảng hợp lòng dân, sự đoàn kết, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng, hết sức quý báu của cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc, học tập ở nước ngoài. Nhìn lại 17 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCT của Bộ Chính trị khóa IX (Nghị quyết 36) ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/BCT của Bộ Chính trị ngày 19/5/2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 là những minh chứng sống động của ý Đảng hợp với lòng dân, là nền tảng thúc đẩy hơn nữa sức mạnh đoàn kết, hòa hợp dân tộc.
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đối với hơn 5,3 triệu đồng bào ta ở nước ngoài. Bên cạnh đó, những chính sách liên quan đến lợi ích thiết thân của kiều bào như quốc tịch, xuất nhập cảnh, giáo dục đào tạo, nhà ở, chế độ hỗ trợ, đãi ngộ người có công với cách mạng… tiếp tục được quan tâm và từng bước được luật hóa. Đời sống văn hóa, tinh thần của bà con xa quê hương cũng luôn được quan tâm, thúc đẩy.
Nhiều hoạt động có ý nghĩa gắn kết kiều bào, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó với quê hương tiếp tục được triển khai ở trong và ngoài nước như: Chương trình Xuân Quê hương, Đoàn đại biểu kiều bào thăm Trường Sa, Trại hè cho thanh niên, sinh viên, gặp mặt kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Văn hóa Việt Nam… đã được tổ chức. Ngày càng có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, các văn nghệ sỹ kiều bào về nước sinh sống, làm việc, hoạt động văn hóa, nghệ thuật... đồng thời tích cực tham gia ý kiến vào nhiều chủ trương chính sách của Nhà nước.
Phát huy tinh thần của chiến thắng 30/4/1975 trong thời đại ngày nay, sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẽ là nhân tố tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp đất nước ta tiếp tục chiến thắng dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi, ổn định tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng như đời sống người dân để viết tiếp những trang sử mới trong kỷ nguyên phát triển, hội nhập của dân tộc.
Nguồn cand.com.vn