Nhiệm kỳ Quốc hội thành công, tính dân chủ được phát huy mạnh mẽ
Cập nhật ngày: 15-03-2021
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh khi thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội tại Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 15-3.
 

Thông qua hơn 70 luật, pháp lệnh
 

Theo dự thảo Báo cáo do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội khóa XIV vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành trọng trách mà cử tri và Nhân dân giao phó. Tuy còn có điểm chưa hoàn toàn đáp ứng được như mong muốn của cử tri, nhưng hoạt động của Quốc hội đã luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước.

 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.
 

Trong số 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết (chưa kể luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 11) có chứa quy phạm pháp luật  đã được thông qua, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
 

Công tác giám sát của Quốc hội được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao. Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề mà cử tri quan tâm, với 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân; cách thức tiến hành được đổi mới, cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả giám sát.
 

Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của ĐBQH, cử tri và Nhân dân cả nước. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.

 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp.
 

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, nhiều quyết định đã được xem xét, ban hành kịp thời, nhiều chính sách được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm. Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận...
 

Nhiều dấu ấn trong hoạt động đối ngoại
 

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã rất thành công, thông qua 9 điều ước quốc tế (so với nhiệm kỳ XIII là 5 điều ước quốc tế), đây là những điều ước cực kỳ quan trọng, liên quan đến biên giới, có những vấn đề tồn tại từ rất lâu rồi mà để thông qua được rất kỳ công. Quốc hội đã thông qua 3 điều ước quốc tế tạo đà cho đất nước phát triển, trong đó mỗi hiệp định được chuẩn bị 10-12 năm; trình Quốc hội 2 công ước bảo vệ quyền lợi người lao động...
 

Ngoài ra, UBTVQH cũng cho ý kiến về 6 điều ước quốc tế, giúp đất nước hội nhập nhanh hơn, hiệu quả hơn, chất lượng cao hơn. Hoạt động song phương của quốc hội cũng để lại dấu ấn quan trọng, thể hiện trên nhiều chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội, hay chúng ta đã tổ chức 4 hội nghị có dấu ấn lịch sử... Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị Quốc hội khóa mới cần quan tâm, tập trung giám sát để Chính phủ triển khai, khai thác hiệu quả của các Hiệp định, sao cho người dân được thụ hưởng các thành quả mà các thế hệ trước đó tạo ra.

 
Toàn cảnh phiên họp.
 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, một điểm đổi mới trong nhiệm kỳ qua là vấn đề chất vấn, không chỉ chất vấn từng vấn đề mà có những vấn đề trong cả nhiệm kỳ có thể chất vấn lại. "Chúng ta với tinh thần chủ động, linh hoạt, trí tuệ đã ứng dụng công nghệ thông tin để lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến, tổ chức các hội nghị quốc tế đạt mục tiêu, hiệu quả mong muốn nhưng phương thức rất tiết kiệm", Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng và đề nghị cần rút kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng Quốc hội tới đây, cũng như đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội và các ĐBQH.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị báo cáo cần làm rõ thêm một số mặt, lĩnh vực để làm nổi bật lên những thành tựu, bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. "Để đánh giá một cách khái quát nhất, đây là một nhiệm kỳ Quốc hội thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Chúng ta tiến hành 11 kỳ họp và hàng tháng UBTVQH đều họp, thậm chí có những lúc phải họp đột xuất để giải quyết những yêu cầu của đất nước, của Chính phủ để đảm bảo sự vận hành của Nhà nước không bị ách tắc", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
 

Gắn với dân, nói tiếng nói của Nhân dân
 

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một nhiệm kỳ mà tính dân chủ được phát huy rất mạnh mẽ, nhưng dân chủ trong kỷ cương, theo Hiến pháp và pháp luật. Mở rộng dân chủ từ thảo luận sang tranh luận, tạo điều kiện nhiều hơn cho đại biểu được tranh luận, không khí hội trường rất cởi mở, phản biện của ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội rất sâu sắc, đáp ứng sự mong mỏi và nguyện vọng của Nhân dân, nhất là những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm.
 

"Mỗi một kỳ họp, mỗi một phiên họp chúng ta đều lắng nghe ý kiến của cử tri, của Nhân dân nhận xét, đánh giá. Mục đích và ý nghĩa của cơ quan dân cử phải gắn với dân, nói tiếng nói của dân, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, đưa ra những chủ trương, đường lối của Đảng trong Nghị quyết của Đại hội, Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị để thể chế hóa thành những quy định của luật pháp. Ngoài xây dựng mới theo chương trình, chúng ta đã sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật, từng lĩnh vực đồng bộ với nhau: Kinh tế - Xã hội, Văn hóa, Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại...", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
 

Bên cạnh đó, chất lượng công việc các cơ quan của Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn, nâng cao vị thế, quyền lực của cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, chọn đúng những điểm mà đất nước cần tháo gỡ để phát triển, đi lên, những vấn đề mà Nhân dân và cử tri quan tâm. Đó là những vấn đề, dấu ấn cần đánh giá sâu sắc, để lại bài học kinh nghiệm cho Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, phát triển hơn.
 

Nhấn mạnh đất nước phát triển như ngày hôm nay có đóng góp rất lớn của hoạt động dân cử nói chung và Quốc hội khóa XIV nói riêng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu, hiệu chỉnh lại báo cáo một cách chu đáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sẽ trực tiếp chỉ đạo, hoàn chỉnh các báo cáo, trình ra Quốc hội ở kỳ họp thứ 11 sắp tới.




Nguồn: cand.com.vn