CÔNG AN BẠC LIÊU
Xử lý cương quyết, mạnh tay, bắt buộc người nghiện ma tuý cai nghiện
Cập nhật ngày: 12-09-2020, lượt xem: 41
Đa số các ý kiến đều thống nhất phải sửa đổi Luật, trong đó nhấn mạnh đến việc cần thiết phải quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý như dự thảo Luật vì hiện nay, tình hình phức tạp của người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian vừa qua, nhưng pháp luật chưa có quy định quản lý những người này.

Thảo luận về dự án Luật Phòng chống ma túy sửa đổi, đa số các ý kiến đều thống nhất phải sửa đổi Luật, trong đó nhấn mạnh đến việc cần thiết phải quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý như dự thảo Luật vì hiện nay, tình hình phức tạp của người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian vừa qua, nhưng pháp luật chưa có quy định quản lý những người này.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, gia đình nào có người nghiện ma tuý thì không chỉ tan cửa nát nhà mà ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. “Tương lai của người nghiện rất vô vọng không có lối thoát. Việc cai nghiện ma tuý vô cùng phức tạp, chỉ “bắt cóc bỏ đĩa” vì số người cai được nghiện rất ít, phần lớn tái nghiện. Nếu thiếu ma tuý hoặc sử dụng quá liều thì người nghiện nhanh chóng trở thành tội phạm, sẵn sàng giết người, thậm chí cả cha mẹ để lấy tiền mua ma tuý; sử dụng quá liều thì bị ảo giác, gây ra những vụ án kinh hoàng” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

 

Thứ trưởng Lê Quý Vương trình bày Tờ trình

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn việc coi người nghiện ma tuý là người bệnh, ông cho rằng, bị bệnh phải do nguyên nhân bệnh như do virus, sức khoẻ...nhưng người nghiện là người khoẻ nhưng sử dụng ma tuý. “Rõ ràng sử dụng ma tuý là vi phạm pháp luật, vì pháp luật cấm rồi. Vì vậy, chúng ta cần nghiêm khắc  hơn, không nên coi người nghiện là người bệnh bình thường mà phải cưỡng chế chữa bệnh” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phòng Quốc Hiển đề nghị và cho biết, lần đầu phát hiện sử dụng ma tuý thì có thể xử lý hành chính; lần thứ 2 phải cưỡng chế cai nghiện bắt buộc, từ lần thứ 3 có thể bỏ tù, cách ly khỏi xã hội.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng ủng hộ quan điểm cần cứng rắn hơn  trong xử lý người nghiện ma tuý. “Điều kiện đất nước không thể lo hết chữa bệnh đối với người nghiện  được vì họ là nguy cơ với xã hội, nhất là tình trạng sử dụng ma tuý tổng hợp” – ông Phan Thanh Bình cho biết và đề nghị cần có quy định rõ khi nào ở cộng đồng, khi nào cai bắt buộc, khi nào cách ly khỏi xã hội, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của gia đình về trách nhiệm khai báo khi có người thân nghiện ma tuý, nếu không khai báo bị xử lý.

 

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ kinh nghiệm khi ông là Chủ tịch UBND TP Thái Bình, Trưởng ban Phòng chống ma tuý, ông  từng tiếp xúc học viên cai nghiện nói rằng nếu ở trong trung tâm cả đời hoặc bạn chết rồi thì mới không tái nghiện chứ nếu ra mà bạn còn sống thì lại tái nghiện. “Có những cháu chặt ngón tay để cai nghiện, sau đó lại tái nghiện”.

 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, luật sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới và cần có quan điểm rõ ràng, quyết liệt hơn trước thực trạng hiện nay, xử lý hành chính theo từng cấp độ và nâng cấp độ. Cùng với đó có những chính sách hỗ trợ để người nghiện ma tuý cai nghiện thành công hoà nhập cộng đồng.

 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát đối chiếu các quy định của những luật liên quan để đảm bảo thống nhất hệ thống luật.


Nguồn cand.com.vn

Các tin khác