Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng tặng quà cho các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer.
Sáng 10/4, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng họp mặt các vị chư tăng, Achar, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, gia đình chính sách, các vị hưu trí là người dân tộc Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây năm 2023.
Đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng quà Tết cho các trụ trì chùa Khmer trên địa bàn tỉnh.
Đến dự họp mặt, về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Mở đầu buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Hòa đã đọc Thư chúc mừng Chôl-chnăm-thmây năm 2023 của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều cung cấp thông tin tỉnh Bạc Liêu là địa phương có đa dạng các dân tộc thiểu số (DTTS) với trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 9,2% dân số toàn tỉnh, trong đó, dân tộc Khmer chiếm số lượng đông nhất (trên 17.000 hộ), chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều trao học bổng cho học sinh đồng bào Khmer có thành tích học tập xuất sắc.
Người đứng đầu UBND tỉnh cho biết: Xác định công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển chung của cả nước, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách toàn diện, phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển vùng đồng bào DTTS nói chung và vùng đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng. Nội dung các chính sách ngày càng đa dạng, sâu rộng, hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, chính sách hỗ trợ ngày càng được nâng lên.
Từ đó, kết cấu hạ tầng vùng DTTS từng bước phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chính sách dân tộc, phong trào thi đua gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS đã phát huy hiệu quả tích cực. Tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên trong đồng bào DTTS ngày càng phát huy; nhiều mô hình tập thể, cá nhân sản xuất giỏi, làm kinh tế hiệu quả được biểu dương, khen thưởng.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của bà con DTTS nâng lên rõ rệt. Diện mạo nông thôn vùng có đông đồng bào DTTS không ngừng khởi sắc, trình độ dân trí được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy; hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (ĐKSSYN) tỉnh có nhiều tiến bộ; hệ thống chính trị trong vùng có đông đồng bào Khmer không ngừng được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động; đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer tăng dần hàng năm cả về số lượng và chất lượng;... Tỷ lệ hộ nghèo DTTS được giảm đáng kể, hiện chỉ còn 1.624 hộ DTTS nghèo, chiếm 7,46% so với tổng số hộ DTTS.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
đọc Thư chúc mừng Chôl-chnăm-thmây năm 2023.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được và những thuận lợi, vùng đồng bào DTTS còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Để cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh vượt qua những vấn đề đó, Hội ĐKSSYN tỉnh, được sự đồng tình của các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, cùng với người có uy tín trong cộng đồng ở địa phương, đã lồng ghép, kết hợp tuyên truyền, vận động đồng bào tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
Thượng tọa Tăng Sa Vong - Trụ trì chùa Buppharam (huyện Vĩnh Lợi), Phó Chủ tịch Hội ĐKSSYN tỉnh, cho biết cụ thể: “Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào phật tử trên địa bàn tỉnh giáo dục con cháu, vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; luôn củng cố phát huy hiệu quả tổ tự quản dòng tộc, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc, bổn đạo hoặc phum sóc, dựa trên cơ sở tập tục của dòng họ, phum sóc. Vận động nhân dân đoàn kết, thực hiện các cuộc vận động do chính quyền đề ra, đặc biệt là trong phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới và công tác từ thiện, an sinh xã hội”.
Nguồn: baclieu.gov.vn