Dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí
Cập nhật ngày: 4-06-2024
 
Ngày 20/5/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật này, trong đó dự án Luật đã bổ sung quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí - đây là một trong những quy định mới được đề xuất trong dự án Luật trình Quốc hội.
 
Dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 08 chương, 74 điều (so với Luật năm 2017, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 55 điều, bỏ 03 điều). Dự án Luật bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, theo đóDao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.


Lực lượng Công an tỉnh vận động Nhân dân giao nộp vũ khí

Theo số liệu thống kê cho thấy trong 05 năm thực hiện Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án; trong đó đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ cao (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), nhiều loại dao nguy hiểm như dao bầu, dao phay, dao quắm... được dùng gây án với tính chất rất manh động, dã man, gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong Nhân dân. Thậm chí một số thanh thiếu niên còn mang dao bên mình để “thủ thân”, khi xảy ra mâu thuẫn thì sẵn sàng mang dao ra để “giải quyết”. Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, lực lượng Công an các cấp đã phát hiện, bắt 93 vụ, 147 đối tượng vi phạm các quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trong đó, đã thu giữ nhiều dao, phương tiện tương tự dao dùng để gây án trong các vụ án cố ý gây thương tích, giết người...

Các loại dao luôn có sẵn trong cuộc sống hằng ngày để phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt, nhưng khi phát sinh mâu thuẫn đối tượng sẵn sàng sử dụng dao để tấn công nạn nhân. Theo luật hiện hành, dao và các phương tiện tương tự không được xem là vũ khí, điều này có nghĩa việc tàng trữ, sử dụng các loại dao có tính sát thương cao không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong quy định hiện hành không quy định dao là vũ khí.

Dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng, được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Dự thảo Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ;  khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật dao có tính sát thương cao là vũ khí quân dụng; trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Từ những vấn đề trên cho thấy, quy định về dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ trong dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) không chỉ giúp tăng cường hiệu quả quản lý, mà còn khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình xử lý và thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ./.
 
Lê Phước Thành - Phòng Tham mưu Công an tỉnh