Phòng, chống mua bán người – cuộc chiến của toàn xã hội
Cập nhật ngày: 28-07-2023
 
Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng hoạt động môi giới cấu kết, móc nối với một số đối tượng ở các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ và các tỉnh có đường biên giới… hình thành các đường dây mua bán người ra nước ngoài.
 
Khi kẻ buôn người… chính là đồng hương

Tỉnh Bạc Liêu tuy không có đường biên giới trên bộ với các nước, song tình trạng mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến khá phức tạp, các đối tượng có sự câu kết chặt chẽ giữa người môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây phạm tội liên tỉnh, xuyên quốc gia. Qua thực tế công tác điều tra cho thấy, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong đường dây mua bán người đa số là người Việt Nam có chồng, sinh sống ở Trung Quốc liên hệ móc nối với người môi giới ở địa phương để tìm kiếm, tiếp cận dụ dỗ, lừa gạt các cô gái trẻ ở vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức pháp luật thấp, không có nghề nghiệp, kinh tế gia đình gặp khó khăn. Với thủ đoạn hứa giúp đỡ giới thiệu việc làm có thu nhập cao hoặc mai mối đưa sang nước ngoài gả chồng giàu, các thủ tục giấy tờ các đối tượng môi giới lo hết… Khi các “con mồi” tin tưởng, chúng nhanh chóng làm giấy tờ giả rồi đưa họ đến các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc giao cho đồng bọn để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
 

Đối tượng Huỳnh Mộng Linh - Từ một nạn nhân bị mua bán
lại trở thành mắc xích quan trọng trong đường dây buôn người

Xót xa hơn, trong số những đối tượng phạm tội, có những phụ nữ từng là nạn nhân của những vụ mua bán nhưng lại tiếp tay, thậm chí trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác. Tinh vi hơn, nếu như trước đây các đối tượng tiếp cận, làm quen với nạn nhân theo hình thức trực tiếp gặp mặt thì hiện nay đã chuyển qua sử dụng các trang mạng xã hội để “bẫy” con mồi, sau đó lần lượt đưa họ đi qua từng mắt xích của đường dây buôn người đã được hình thành, hoạt động trơn tru từ trước.
 

Công an phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai thăm h
ỏi,
động viên gia đình có con bị lừa bán sang Campuchia

Một hình thức phổ biến và nhức nhối nhất của tội phạm buôn người trong thời gian gần đây, chính là bẫy “việc nhẹ lương cao”. Chúng lợi dụng chính yếu điểm là cuộc sống khó khăn, cần việc, cần tiền của người dân để câu kết với đối tượng cư trú ở nước ngoài lừa bán nạn nhân. Khi bị đẩy vào con đường vượt biên trái phép, bán vào các cơ sở đánh bạc, hoạt động mại dâm… nơi đất khách, nạn nhân bị khủng bố tinh thần, dùng nhục hình cưỡng bức làm việc cả ngày đêm và bị canh gác nghiêm ngặt, kể cả tra tấn đến cùng cực. Khi nạn nhân không chịu nổi đành liên hệ gia đình bán đất bán vườn, vay tiền chuộc thân!

Cay đắng phận người bị mua bán

Chúng tôi thực hiện bài viết này khi Viện KSND tỉnh Bạc Liêu đang tiến hành những thủ tục để đề nghị truy tố các bị can trong đường dây mua bán người có yếu tố nước ngoài, xảy ra tại tỉnh Bạc Liêu và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
 

Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Lương Thị Hải đã trở thành “tú bà”
cầm đầu đường dây buôn người dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc

Theo hồ sơ, các bị can: Lương Thị Hải (sinh năm 1994, ngụ xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An); Thái Thị Hậu (sinh năm 1997, ngụ thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau); Phạm Thị Tú (sinh năm 1962, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) và Huỳnh Mộng Linh (sinh năm 1987, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cùng một số đối tượng khác đã cấu kết với nhau hình thành đường dây mua bán phụ nữ dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc. Các đối tượng tìm kiếm, dụ dỗ những cô gái ở các vùng nông thôn để bán cho những đàn ông Trung Quốc, tùy thuộc vào độ tuổi và ngoại hình của từng người, chúng sẽ được trả số tiền từ 300 – 400 triệu đồng. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã mua bán hàng chục phụ nữ tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc… nhằm thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

Những “tú bà” trên sẽ bị đưa ra xét xử với các tội danh “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi”, “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”; đây là những bản án thích đáng cho tội ác đã gây ra. Song, khi cầm trên tay danh sách hơn 30 nạn nhân về nước được tỉnh hỗ trợ từ năm 2016 đến nay, chúng tôi không khỏi xót xa vì có những hoàn cảnh vô cùng éo le, những bé gái vị thành niên nhưng đã phải làm vợ, làm mẹ ở vùng đất xa xôi, đầy cạm bẫy. Có nạn nhân khi trở về nước bụng mang dạ chửa, cũng có người phải ôm con nhỏ trốn chạy khỏi “hang hùm”.
 

Được Công an Bạc Liêu giải cứu vào tháng 5/2023, nhưng đến nay hai cô gái trẻ
này vẫn chưa hết kinh hoàng khi nhắc lại những tháng ngày trong “hang hùm” của bọn buôn người

Điều đáng nói, khi đã trải qua những tháng ngày bi cực ở xứ người, những nạn nhân trở về quê hương với đôi bàn tay trắng, tâm hồn và thể xác bị khủng hoảng nặng nề. Đớn đau hơn, khi sự trở về chưa hẳn đã là giải thoát khỏi chuỗi ngày tăm tối mà ngược lại chuyển sang nhiều bi kịch khác. Chỉ vì suy nghĩ cho con lấy chồng ngoại quốc để có tiền lo cuộc sống gia đình, không ít bậc cha mẹ đã gả con gái khi chưa đủ tuổi, từ đó bị liên đới trách nhiệm và vướng vào vòng lao lý. Có người tóc đã pha sương nhưng không được hưởng phước quây quần bên con cháu mà chỉ có thể gặp nhau qua song sắt nhà giam, chưa kể những đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài khi trốn thoát cùng mẹ về Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc làm giấy tờ khai sinh, đi học.

Gian nan trong cuộc chiến chống bọn buôn người

Tội phạm mua bán người được hình thành theo kiểu tội phạm “ẩn”, việc phát hiện, điều tra làm rõ yếu tố cấu thành tội phạm đòi hỏi quá trình đấu tranh kiên trì, thu thập chứng cứ từ nhiều phía. Khi cơ quan chức năng tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của các nạn nhân, việc xác minh thông tin, điều tra làm rõ vụ việc cũng gặp không ít khó khăn, nhất là các vụ mua bán người đa phần xảy ra nước ngoài trong khi tỉnh Bạc Liêu không có đường biên giới trên bộ với các nước nên gây khó khăn cho cơ quan Công an trong quá trình điều tra, truy bắt, dẫn giải đối tượng. Có những trường hợp nạn nhân không rõ được chính xác nơi mình bị bán, giam giữ. Bên cạnh đó, các chứng cứ thu thập được rất khiêm tốn, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của nạn nhân và người nhà nạn nhân.
 

Lực lượng Công an thường xuyên phối hợp với các Lực lượng Quân sự, Biên phòng
làm tốt công tác phòng chống tội phạm mua bán người thông qua tuyến biên giới biển

Mặt khác, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn, từ đó áp lực kiếm việc làm khiến họ dễ sa vào cạm bẫy của bọn buôn người. Chưa kể, công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý người nước ngoài, nhân hộ khẩu, xuất nhập cảnh, hôn nhân và việc cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài… Đối với những nạn nhân đã được giải cứu, công tác hỗ trợ còn gặp cản trở về nguồn kinh phí, quy định hiện hành dẫn đến việc các hoàn cảnh được giúp đỡ chưa nhiều, nạn nhân chưa có được cuộc sống mới. Một số nạn nhân tự trốn thoát trở về thường mặc cảm, tự ti nên không tố giác tội phạm với cơ quan chức năng.
 

Lực lượng Công an thường xuyên tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác
của Nhân dân trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người

Có thể thấy, công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ khó khăn, không những để lại hậu quả, tổn thương nặng nề cho các nạn nhân cả thể chất lẫn tinh thần mà còn tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ANTT của địa phương. Do đó, ngoài sự chung tay của lực lượng Công an và các ban, ngành chức năng, thì mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là không tin theo những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” hoặc vẻ hào nhoáng của cái gọi là “hôn nhân ngoại quốc”./.
 
Trọng Nguyễn