Nhiều tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông
Cập nhật ngày: 15-05-2023
 
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương trên cả nước đã quan tâm chỉ đạo các ngành, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Từ đó, công tác bảo đảm TTATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực: Tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông trong thời gian qua được các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân đánh giá cao, không chỉ kiềm chế tai nạn giao thông mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội bộc phát do rượu, bia gây ra, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
 

Lực lượng Cảnh sát giao thông lập chốt kiểm tra nồng độ cồn
đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông
 
Rượu, bia - Mối hiểm họa vô hình
 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ người sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Mặc dù việc sử dụng rượu, bia khá phổ biến nhưng tác hại của nó là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục và làm gia tăng các vấn đề xã hội. Có thể kể đến một số tác hại của việc sử dụng rượu, bia như:

Thứ nhất, rượu, bia là những chất kích thích ảnh hưởng đến hệ thần kinh, khi sử dụng lâu dài sẽ gây nguy hại đối với sức khỏe, có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hoá, nhiễm trùng và do một số bệnh khác, trong đó có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu (chiếm tỷ lệ khoảng 7,5%).

Thứ hai, sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân phát sinh các hành vi phạm tội bộc phát. Khi một người uống nhiều rượu, bia sẽ có khả năng bị mất tự chủ, không kiểm soát được lời nói và hành động, dẫn đến các tình huống cãi vả, xô xát, đánh nhau… Từ đó dễ phát sinh các hành vi phạm tội như hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, thậm chí là cướp của, giết người… gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội.

Thứ ba, sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông dễ làm tăng nguy cơ gây ra tai nạn giao thông. Thực tế, việc sử dụng rượu, bia có thể khiến người dùng bị mất tập trung khi lái xe, một số trường hợp say xỉn còn thực hiện hành vi “phóng nhanh, vượt ẩu”, từ đó phát sinh các tình huống nguy hiểm có thể gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của người điều khiển phương tiện và cả những người xung quanh.

Thứ tư, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Luật giao thông đường bộ, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và các văn bản khác có liên quan. Cụ thể, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tước giấy phép lái xe có thời hạn và bị phạt tiền tùy thuộc vào mức độ vi phạm và loại phương tiện sử dụng. Thậm chí các trường hợp sử dụng rượu, bia tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Thượng tá Nguyễn Phương Bắc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, mức phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, như sau: Có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: bị phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng; có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: bị phạt tiền từ 16 triệu đến 18 triệu đồng; có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng; ngoài ra, hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ còn bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, như sau: Có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng; có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: bị phạt tiền từ 4 triệu đến 5 triệu đồng; có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: bị phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng; ngoài ra, hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ còn bị phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng. Các trường hợp vi phạm về nồng độ còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ thấp nhất là 06 tháng và cao nhất là 24 tháng, tùy theo mức độ vi phạm.

Kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn – mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho người dân

Trước những hệ luỵ mà “ma men” đã, đang và sẽ đe doạ đối với sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, thời gian qua lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bạc Liêu đã tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, trong Quý I năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra, xử lý hơn 480 trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.
 

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn và tuyên truyền, nhắc nhỡ người điều khiển
phương tiện tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông

Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tổ chức 16 buổi tuyên truyền pháp luật về TTATGT với hơn 4.000 người tham gia, phát 1.730 tờ rơi tuyên truyền; đồng thời tuyên truyền trực tiếp cho hơn 7.000 người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT. Từ đó, đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức của người tham gia giao thông, văn hóa “Đã uống rượu bia, không lái xe” đã từng bước hình thành trong suy nghĩ của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Anh Nguyễn Minh Long, người dân trên địa bàn thành phố Bạc Liêu cho biết: “Tôi thấy việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chỉ bị Cảnh sát giao thông xử phạt mà còn bị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tình mạng của bản thân và những người xung quanh, vì khi sử dụng rượu, bia sẽ không đủ tĩnh táo để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tôi đã từng chứng kiến một số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện say xỉn phóng nhanh, vượt ẩu gây ra tai nạn rất thương tâm. Thấy được những tác hại đó nên bản thân tôi tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia, có như thế mới góp phần đảm bảo an toàn trước hết là cho bản thân và những người tham gia giao thông”.

Có thể khẳng định rằng, những hiểm họa khi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường, vì vậy bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng thiết nghĩ mỗi người dân phải nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, dần hình thành nên thói quen và văn hóa “Đã uống rượu bia, không lái xe”, góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân./.
 
Trọng Thức