Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Ngày 07/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 83-KH/TU về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Kế hoạch của Tỉnh ủy đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác đưa người lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm; tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trước âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và bọn tội phạm liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong năm 2022 số người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 351 lao động, đạt 117% so với kế hoạch năm, tăng 281 lao động so với cùng kỳ. Theo Kế hoạch năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 300 lao động. Có thể nhận thấy, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, được Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Hiệu quả mà công tác này mang lại, có thể thấy rõ rệt nhất là tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống, qua đó nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động khác. Đối với Nhà nước sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư giải quyết việc làm, giảm bớt tình trạng thừa lao động, đồng thời tăng nguồn thu ngoại tệ rất lớn về cho đất nước. Bên cạnh đó, qua quá trình đi làm việc ở nước ngoài, người lao động còn được nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn kỹ thuật, tiếp thu công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc khoa học, hình thành nên đội ngũ lao động có trình độ tay nghề chuyên môn cao sau khi về nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu đã tăng cường thực hiện các hoạt động chống phá với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Lợi dụng tâm lý cả tin của một số người dân, các đối tượng thường làm giả giấy tờ, hồ sơ xuất cảnh để đưa người ra nước ngoài lao động trái phép với mục đích trục lợi, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Trước tình hình trên, lực lượng Công an các cấp đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Điển hình gần đây nhất vào ngày 30/11/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã thi hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Công Quốc (sinh năm 1986, ngụ ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) để điều tra, làm rõ về hành vi “Cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép”. Theo hồ sơ của cơ quan Công an, vào năm 2007, Phan Công Quốc xuất cảnh sang Nga theo hình thức du lịch rồi ở lại làm thuê cho một xưởng may quần áo. Đến năm 2011, Quốc thuê mặt bằng tự mở xưởng may quần áo tại thành phố Mát-xcơ-va (Nga) nhưng không đăng ký kinh doanh. Sau đó, Quốc liên hệ với cha mẹ ruột ở Việt Nam tìm người đưa sang Nga lao động trong thời gian 03 năm với điều kiện đưa trước cho Quốc 40 triệu đồng để lo chi phí, thủ tục xuất cảnh. Tuy nhiên, khi người lao động đến xưởng may tại Nga, Quốc đã thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân và khóa cửa xưởng không cho họ ra ngoài. Nếu người lao động muốn kết thúc hợp đồng trước thời hạn thì phải liên hệ với người nhà để chuyển cho Quốc số tiền 60 triệu đồng thì mới được về Việt Nam. Bằng thủ đoạn trên, trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2016, Phan Công Quốc đã đưa thành công hơn 50 công dân Việt Nam từ các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Thành phố Hà Nội sang Nga để lao động và cưỡng ép ở lại trái phép để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu tống đạt
quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Phan Công Quốc (áo thun xám).
Để ngăn chặn tình trạng trên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp người dân cần nhận thức rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; nắm vững được quy trình, thủ tục cần thiết khi đi lao động nước ngoài; đồng thời nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và bọn tội phạm liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các đường dây đưa người ra nước ngoài lao động trái phép với mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.
Trọng Thức