SỰ CẦN THIẾT THIẾT BAN HÀNH LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Trật tự, an toàn giao thông là trạng thái xã hội có trật tự, được hình thành và điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông, vận tải công cộng, nhằm đảm bảo cho hoạt động giao thông được thông suốt, trật tự, an toàn, hạn chế thấp nhất tai nạn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản; là nhiệm vụ cơ bản của mỗi quốc gia và là điều kiện cần thiết để đảm bảo phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng và ổn định xã hội.
Năm 2008, Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XII thông qua, cùng với đó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo đảm trật tư, an toàn giao thông đường bộ là cơ sở pháp lý vững chắc để các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới giao thông vận tải đường bộ cả về kết cấu hạ tầng cũng như số lượng phương tiện, người tham gia giao thông ngày một gia tăng, đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, thể hiện ở các điểm sau:
Một là, bổ sung những thiếu hụt về chính sách an toàn giao thông.
Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Theo thống kê, từ năm 2009 đến tháng 01/2023, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nphìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Đáng chú ý, nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ; xảy ra 622 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 07 cán bộ hy sinh, 196 cán bộ bị thương. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu... Tình hình nêu trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy; nhiều quy định còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện; không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung, như: Giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông... Bên cạnh đó, phương tiện giao thông tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các chính sách, biện pháp, quy định cụ thể về phát triển phương tiện để đảm bảo đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Quy định về nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng tình hình mới.
Cán bộ, chiến sĩ phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến
các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và trao tặng mũ bảo hiểm
cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu
Hai là, bổ sung những thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra tồn tại, hạn chế là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa cân đối giữa các vùng, miền. Một số dự án hạ tầng giao thông còn chậm tiến độ; hệ thống đường cao tốc còn hạn chế. Nhiều tuyến đường nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu có quy mô kỹ thuật thấp chưa được cải tạo nâng cấp, mở rộng, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông; giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó có một phần là hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ.
Hiện nay, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị còn thấp hơn so với quy định (Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định phải bảo đảm từ 16% - 20%; tuy nhiên, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực); các quy định liên quan đến đường cao tốc hiện nay được quy định tại Điều 26 (quy tắc giao thông trên đường cao tốc), các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc đang được quy định tại văn bản dưới luật. Các quy định về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ, như: cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng...; khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý.
Ba là, bổ sung những thiếu hụt về chính sách vận tải đường bộ.
Vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn (chiếm khoảng hơn 70% vận tải hành khách và hàng hóa trong tổng số các loại hình vận tải), không cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều, còn có các đơn vị vận tải nhỏ lẻ, manh mún; hiệu quả kinh doanh chưa cao; công tác quản lý lái xe còn bất cập; thiếu cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ người lái xe kinh doanh vận tải. Các loại hình kinh doanh vận tải chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, quy định về điều kiện kinh doanh trong đó có các thiết bị quan trọng như giám sát hành trình, camera hành trình chưa rõ ràng, dẫn đến hiệu quả quản lý hạn chế. Kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chưa rõ, chưa đủ cơ chế, chính sách để phát triển tương xứng với nhu cầu xã hội.
(Còn tiếp...)
Hồng Thúy - Phòng Tham mưu Công an tỉnh