Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuy nhiên tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn diễn biến khá phức tạp, không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em trong trường học
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, gồm các hành vi như hiếp dâm, giao cấu, dâm ô. Điển hình như sự việc xảy ra khoảng tháng 11/2022, tại xã Điền Hải, huyện Đông Hải, bà T và ông N quen biết nhau và sống chung với nhau như vợ chồng. Bà T dẫn cháu M (sinh năm 2017), là con riêng của bà T về sống chung nhà với ông N. Quá trình sinh sống, cháu M nhiều lần bị ông N xâm hại tình dục và nhiều lần dùng tay, cây gỗ, cây sắt… đánh gây thương tích cho bà T và cháu M.
Qua thực tế điều tra các vụ án xâm hại trẻ em, các cơ quan chức năng ghi nhận, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em hầu hết nhận thức pháp luật còn hạn chế nên dễ đi đến vi phạm. Ngoài ra, các gia đình còn chưa quan tâm, giáo dục, quản lý con em mình, nhất là để cho trẻ em sử dụng điện thoại giao lưu kết bạn trên môi trường mạng internet mà chưa hề quen biết nhau, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, xâm hại. Ngoài ra, một bộ phận người dân đời sống khó khăn, phải lo làm ăn kinh tế nên chưa dành hết thời gian và điều kiện để chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Vai trò của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng giải quyết về pháp luật. Ngoài ra, còn do tác động của các chất kích thích như: Rượu, bia, ma túy, cũng như các tệ nạn xã hội khác.
Theo Bộ Luật hình sự năm 2015 và được sửa đổi bổ sung năm 2017, Điều 142 quy định: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Điều luật này quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là phạm vào tội này. Ngoài ra, Điều luật này còn quy định: Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi cho dù được trẻ em đồng ý thì cũng phạm vào tội hiếp dâm với người dưới 16 tuổi. Khung hình phạt thấp nhất 7 năm tù giam, cao nhất là tử hình.
Điều 144 quy định: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Điều luật này quy định: Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình và miễn cưỡng cho giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện quan hệ tình dục thì vi phạm vào tội này. Khung hình phạt thấp nhất 5 năm tù giam, cao nhất là tù chung thân.
Điều 145 quy định: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Điều luật này quy định: Người nào từ đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Khung hình phạt thấp nhất 1 năm tù giam, cao nhất 15 năm tù giam”.
Hậu quả của việc bị xâm hại không chỉ là những tổn hại về sức khỏe mà còn ảnh hưởng nặng nề, lâu dài về tinh thần. Bởi trẻ trong độ tuổi đang phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất, tâm sinh lý và có những suy nghĩ nông cạn. Song song phát triển về sinh học thì tâm lý trẻ có những thay đổi như muốn độc lập, không muốn đeo bám cha mẹ, có xu hướng tách rời cha mẹ ra, sẽ hướng ngoại nhiều hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này gia đình cần quan tâm hơn bởi trẻ sẽ tò mò, khám phá và muốn thể hiện.
Vấn đề xâm tại tình dục ở trẻ em là vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay. Khi một đứa trẻ là nạn nhân bị xâm hại thì hậu quả để lại rất nặng nề, trẻ có thể bị tổn thương suốt cả cuộc đời, trẻ có thể bị mang thai ngoài ý muốn. Về tâm lý thì trẻ bị rối loại giấc ngủ, hoảng loạn, lo âu, cô lập với chính mình, không dám giao tiếp với mọi người xung quanh vì sợ bạn bè xa lánh. Đối với các bậc phụ huynh khi có con gái thì phải giáo dục giới tính ngay từ khi còn bé. Khi trẻ lớn lên một xíu thì không được đi chơi một mình vào những nơi vắng vẻ”.
Trong đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, gia đình, nhà trường giữ vai trò rất quan trọng, từ việc quan tâm, chăm sóc, quản lý đến việc trang bị kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục giới tính, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, giáo dục, tấn công, trấn áp, răn đe tội phạm và biểu hiện vi phạm. Từ đó, công tác phòng ngừa mới thật sự hiệu quả./.
Hải Linh