Đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tôm tạp chất
Bơm tạp chất vào tôm là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, kiên quyết đấu tranh, xử lý với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tôm tạp chất.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện nghi vấn vận chuyển tôm tạp chất
Quy định của pháp luật
Theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức có hành vi liên quan đến bơm tạp chất vào tôm sẽ bị xử phạt hành chính; có thể bị phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến thực phẩm. Phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản; sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào hoặc thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, bảo quản thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thủy sản có chất bảo quản là chất, hóa chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người có hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017. Mức án tù thấp nhất từ 01 đến 05 năm, cao nhất đến 20 năm tù và mức phạt tiền cao nhất đến 500 triệu đồng.
Mặc dù pháp luật đã quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, tuy nhiên, thời gian qua, một số đối tượng vẫn cố tình vi phạm. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần “mạnh tay” hơn nữa trong công tác đấu tranh, xử lý. Đồng thời, cần nghiên cứu chế tài xử lý nặng hơn nữa đối với các hành vi vi phạm liên quan đến tôm tạp chất, thậm chí có thể tăng mức hình phạt bổ sung.
Mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm
Trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã đấu tranh, xử lý 26 vụ liên quan đến 50 cá nhân, 01 tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôm tạp chất. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 vụ, 34 cá nhân, 01 tổ chức với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Điển hình là vào lúc 15 giờ 40 phút, ngày 27/8/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh kiểm tra cơ sở mua bán tôm của ông Lâm Văn Út, sinh năm 1995, ngụ ấp Nhàn Dân B, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu phát hiện tại cơ sở đang tổ chức cho 08 công nhân bơm tạp chất là CMC vào tôm sú nguyên liệu. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 50,5 kg tôm sú nguyên liệu chứa tạp chất CMC, 05 kg chất là CMC đã được pha chế cùng nhiều tang vật khác có liên quan. Căn cứ Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan Công an ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lâm Văn Út số tiền 60 triệu đồng về hành vi tổ chức đưa tạp chất là CMC vào 50,5 kg tôm sú nguyên liệu; 08 công nhân của ông Lâm Văn Út cũng bị cơ quan Công an xử phạt với số tiền 04 triệu đồng/người vì có hành vi trực tiếp đưa tạp chất CMC vào tôm sú nguyên liệu.
Tiếp đến vào khoảng 17 giờ 20 phút, ngày 15/11/2022, trên đường Cao Văn Lầu thuộc Khóm Đầu Lộ, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, lực lượng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an thành phố Bạc Liêu dừng, kiểm tra xe ô tô tải biển số 94C – 020.72 do ông Phạm Ngọc Hậu, sinh năm 1996, ngụ Khóm 8, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu điều khiển, phát hiện trên xe đang vận chuyển 14 thùng xốp đựng tôm sú nguyên liệu. Qua kiểm tra, xác định trong 14 thùng xốp đựng 429,8 kg tôm sú có chứa tạp chất là Agar và CMC. Toàn bộ tang vật được lực lượng Công an tạm giữ để tiếp tục điều tra, xử lý.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, phương thức thủ đoạn của đối tượng ngày càng tinh vi, kín đáo; địa điểm tổ chức đưa tạp chất vào tôm được thiết kế có nhiều lớp cửa và luôn khóa chặt, có người cảnh giới, khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra thì tẩu táng tang vật, từ đó gây nhiều khó khăn cho công tác bắt, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tôm tạp chất.
Thời gian tới, để đấu tranh, xử lý có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tôm tạp chất, Công an tỉnh đã triển khai kế hoạch tiếp tục thực hiện chuyên đề đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tôm tạp chất. Trong đó, phân công, phân cấp quản lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không thực hiện hành vi bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu và đến uy tín, thương hiệu tôm Việt Nam./.
Hải Linh – Minh Hiếu