Phiên tòa xét xử vụ Cố ý gây thương tích xuất phát từ mâu thuẫn gia đình
Thực trạng báo động
Lý Đăng Khoa, sinh năm 1996, ngụ ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu là em của bà D ngụ cùng địa phương. Gia đình Lý Đăng Khoa và gia đình bà D thường xuyên xảy ra cự cãi do tranh chấp. Đỉnh điểm là vào sáng ngày 21/7, mẹ của Lý Đăng Khoa và bà D tiếp tục cự cãi, xô xát. Thấy vậy, Lý Đăng Khoa dùng cục bê tông ném về phía bà D, gây thương tích. Bà D làm đơn gửi lên cơ quan Công an. Cuối tháng 12/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt Lý Đăng Khoa 6 tháng tù giam về tội Cố ý gây thương tích.
Một vụ án đau lòng khác xảy ra trên địa bàn xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, mà nạn nhân lại chính là anh ruột của đối tượng gây án. Chiều ngày 23/6/2022, anh T đi nhậu về và xảy ra cự cãi với một số thành viên trong gia đình. Thấy vậy, Nguyễn Tấn Đạt, sinh năm 1988, ngụ xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu liền khuyên ngăn nhưng anh T không nghe mà còn có hành vi khiến con của Đạt bị đau. Trong lúc nóng giận, Nguyễn Tấn Đạt đã không kiềm chế được bản thân, dùng dao tự chế chém liên tiếp vào người anh T, khiến anh T bị thương với tỷ lệ thương tật là 43%. Chỉ vì lời qua tiếng lại, gia đình nhỏ của Nguyễn Tấn Đạt đã trải qua những giây phút kinh hoàng.
Theo thống kê chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra 69 vụ án Cố ý gây thương tích, trong đó có 5 vụ xuất phát từ những mâu thuẫn trong gia đình; đồng thời xảy ra 12 vụ án Giết người, trong đó có 02 vụ giết người thân. Những con số này đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình và xã hội.
Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: Mâu thuẫn trong nội bộ gia đình chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích, đó có thể là tranh chấp đất đai, thừa kế, những mâu thuẫn tình cảm, hôn nhân, gia đình… Những mâu thuẫn này không được giải quyết kịp thời dẫn đến tích tụ, thành mâu thuẫn lớn, gây ra những vụ việc đau lòng.
Ngoài ra, bản thân các đối tượng gây án có bản tính nóng nảy, côn đồ, cộng với tác động của rượu, bia, chất kích thích khác nên khi xảy ra sự việc, các đối tượng thiếu kiềm chế bản thân dẫn đến có những hành động như cố ý gây thương tích, thậm chí Giết người…
Giải pháp cốt lõi cho những xung đột trong gia đình là biết cách lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Khi xảy ra mâu thuẫn, khó có ai giữ được bình tĩnh và đa số đều có những lời nói làm tổn thương đối phương trong cơn giận. Khi sự việc qua đi, những thành viên trong gia đình nên nhìn nhận lại. Thay vì cố chấp với quan điểm của mình, hãy lắng nghe và tôn trọng suy nghĩ của người khác.
Chia sẻ về những giải pháp để giải quyết vấn đề này, Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Nguyên nhân của các sự việc xuất phát từ chính các thành viên trong gia đình, nên việc đầu tiên cần làm là các thành viên trong gia đình cần tự soi rọi lại việc làm, nhận thức của bản thân mình. Những bất đồng, mâu thuẫn trong gia đình cần được đưa ra giải quyết dứt điểm, đặc biệt là phải phát huy vai trò của người có uy tín trong nội bộ gia đình. Nếu sự việc phát sinh lớn, không thể giải quyết trong nội bộ gia đình thì cần nhờ chính quyền địa phương, các Tổ hòa giải ở cơ sở…
Nhìn chung, mâu thuẫn trong gia đình có thể bắt nguồn từ rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu trao đổi với thái độ mềm mỏng và thấu đáo hơn, cuộc trò chuyện sẽ diễn ra dựa trên tinh thần đóng góp và thấu hiểu thay vì tranh cãi như trước đây. Mỗi người dân cần nêu cao ý thức, nhận thức và hành động của mình, giải quyết ổn thỏa các mâu thuẫn, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra./.
Hải Linh