Hình thành từ năm 1985, RSF có tên tiếng Pháp đầy đủ là “Reporters sans frontières”, trụ sở quốc tế tại Paris. Đây là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, lấy Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc làm cơ sở để hành động với mục đích được nêu là bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ.
Nhìn vào mục đích trên, nhiều người nghĩ rằng RSF là một tổ chức chân chính, hoạt động vì sự tiến bộ “bảo vệ tự do báo chí”, thúc đẩy tự do và văn minh của thế giới. Nhưng trái ngược với chủ trương của Liên hợp quốc và cũng trái với tôn chỉ được nêu, lâu nay tổ chức này thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của một số nước, trong đó có Việt Nam. RSF còn dùng những lời có cánh để công khai bênh vực cho những đối tượng lấy danh nghĩa báo chí để thực hiện các hành vi phạm tội, đã bị xử lý hình sự như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng… RSF gắn cho họ cái mác “nhà báo độc lập” để qua đó chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam, tìm cách hạ uy tín và kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Tự xưng là bảo vệ nền báo chí thế giới theo phương thức khoa học nhưng từ trước đến nay, RSF không đưa ra được khái niệm về “nhà báo độc lập” và làm rõ nội hàm về “tự do báo chí” một cách cụ thể, rõ ràng để làm cơ sở cho các phán xét của mình. Và với cách tiếp cận không dựa trên nền tảng hiểu biết chung nên phương pháp đánh giá tình hình tự do báo chí của RSF chẳng khác nào “thầy bói xem voi”, luôn mang tính quy chụp, thiếu tính khách quan, thiếu minh bạch.
Trở lại vấn đề nêu trên, việc RSF lấy mục đích bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ để kêu gọi tự do cho các đối tượng chống đối, phạm tội hình sự là một sai lầm lớn và thể hiện sự thiếu tôn trọng tới tính nghiêm minh của pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng hay bất cứ ai khi sinh sống tại Việt Nam thì họ phải chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, không thể lấy danh tiếng là “nhà báo tự do” mà có thể đứng ngoài vòng pháp luật hiện hành; không thể lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do báo chí để viết, phát tán các thông tin sai trái, độc hại hay sản xuất, tung ra các ấn phẩm nhằm tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Việc bắt, xử lý các đối tượng này trước pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng đều có chứng cứ rõ ràng, thuyết phục và xét xử phải căn cứ với điều luật, tội danh tương ứng. Với các hành vi và những hậu quả gây ra, việc các đối tượng bị toà tuyên các bản án là đã căn cứ, đánh giá khách quan, đầy đủ chứng cứ, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Cần thấy rằng, việc xét xử, tuyên các bản án đối với bị cáo là biện pháp mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện do các đối tượng phạm tội đến cùng, bất chấp các cơ quan chức năng đã nhiều lần áp dụng các biện pháp giáo dục, khuyên giải, xử lý hành chính mà vẫn “chứng nào tật nấy”, tiếp tục tái phạm, thậm chí ngày càng nguy hiểm, manh động hơn. Do đó, một lần nữa cần khẳng định không hề có chuyện Việt Nam giam giữ nhà báo “tuỳ tiện” như RSF quy chụp.
Đặc biệt, một thực tế cho thấy, sau khi những đối tượng trên bị xử lý trước pháp luật, người sử dụng mạng xã hội tránh được những thông tin xấu độc, sai trái mà trước đó khi còn ở ngoài xã hội, số này liên tục sản xuất, chia sẻ, tung lên gây “bão mạng”. Việc “cắt nguồn” những thông tin sai trái, độc hại từ các trang cá nhân của các đối tượng chống phá tung ra đã góp phần làm “sạch” thông tin theo đúng nghĩa, giảm những bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, xâm phạm quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân, ngăn ngừa quan điểm mang tính a dua, cổ xuý thông tin sai trái, chống phá cực đoan.
Hơn nữa, qua việc kêu gọi trả tự do cho các đối tượng “đội lốt” nhà báo để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chứng tỏ giữa RSF và số đối tượng này có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Thực tế cũng cho thấy, cơ sở để RSF xếp hạng tự do báo chí, chỉ trích Việt Nam thường dựa vào những thông tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, số cơ hội chính trị, có các hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp. Việc các cơ quan chức năng bắt, xử lý trước pháp luật các đối tượng này khiến cho “vòi bạch tuộc” của RSF bị “cắt tỉa”, trở nên kém giá trị và kéo theo các nguồn thông tin sai lệch cũng trở nên “khô cạn”.
Đặc biệt, do RSF quá chú trọng bênh vực một cách mù quáng các đối tượng chống đối đội lốt nhà báo nên họ luôn làm ngơ trước thực tế sống động về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Những thành tựu đạt được thể hiện khách quan tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận thì RSF và những tổ chức có định kiến lại luôn phớt lờ. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 12/2023, cả nước có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình.
Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành báo chí. Các cơ quan báo chí được chia thành 4 khối sau: 1) Khối báo chí địa phương (bao gồm báo, tạp chí thuộc tỉnh, thành phố, tạp chí thuộc hội văn học nghệ thuật của các địa phương): 143 đơn vị; 2) Khối báo chí Trung ương (Khối Đảng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, hội trung ương, cơ quan thuộc tập đoàn, tổng công ty, nhà xuất bản): 347 đơn vị; 3) Khối đài (bao gồm cơ quan hoạt động phát thanh (báo nói), truyền hình (báo hình): 72 đơn vị; 4) Khối Tạp chí khoa học: 320 đơn vị.
Báo chí Việt Nam đã thực sự trở thành diễn đàn ngôn luận và công cụ để bảo vệ tự do và lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo... đều có quyền phát biểu, đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cấp uỷ đảng, chính quyền thông qua báo chí. Nhờ bám sát, đưa thông tin nhanh nhạy, đúng bản chất sự kiện, vấn đề trọng điểm và định hướng dư luận rõ ràng mà báo chí đã làm tốt vai trò phản biện, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt. Đây là thực tiễn khách quan về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, phản bác lại luận điệu xuyên tạc của RSF khi cho rằng vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam đang dần xấu đi.
Với 36 đối tượng chống đối mà RSF nêu ra thì có người trước đây từng là nhà báo, công tác tại cơ quan báo chí nhưng sau đó do phạm pháp đã bị tước thẻ nhà báo, không còn được hoạt động báo chí; nhiều trường hợp khác không phải là nhà báo mà chỉ là cá nhân lợi dụng nền tảng số để viết bài, sản xuất các video clip xuyên tạc sự thật trên các trang mạng xã hội. Do đó, việc đánh đồng các trường hợp này thành “bắt nhà báo”, “trấn áp báo chí” là trái với bản chất sự việc. Việc phản ánh sai lệch, thiếu trung thực về tự do báo chí và cổ xúy cho các đối tượng chống đối nêu trên của RSF đã trở nên lạc lõng, hoàn toàn không có giá trị tham khảo trên bất cứ phương diện nào.
Nguồn: cand.com.vn