Xử lý nghiêm những kẻ cố ý chống phá đất nước (bài cuối)
Cập nhật ngày: 8-12-2023
Cuối tháng 10/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án Phan Thị Thảo cùng đồng phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân xảy ra tại các tỉnh Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh.
Liên quan đến tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, trước đó, đã có 25 vụ án với 100 đối tượng tham gia tổ chức bị tuyên phạt với mức án từ 10-16 năm tù… Đây sẽ là bài học và cái giá phải trả cho những kẻ vì bị tiêm nhiễm và mù quáng tin theo luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, sùng bái Đào Minh Quân và thực hiện các hoạt động tuyên truyền, chống phá theo chỉ đạo của tổ chức này.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Gia Lai đã chuyển hồ sơ vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” sang VKSND tỉnh Gia Lai để truy tố theo quy định của pháp luật.
10 bị can bị truy tố gồm Phan Thị Thảo (SN 1957, HKTT tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; tạm trú tại huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai); Trần Thiện (SN 1972); Cao Thị Ngọc Diễm (SN 1969); Trần Thị Kim Loan (SN 1962); Trần Huệ Chân Vương (SN 1971, đều thường trú tại TP Hồ Chí Minh); Vũ Đình Lan (SN 1973, trú tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu); Tạ Văn Triệu (SN 1974, trú tại tỉnh Bến Tre); Huỳnh Thị Khánh Trang (SN 1977, ở tại Kiên Giang); Trần Thọ (SN 1957, trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế) và Cao Cương (SN 1972, trú tại xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Phần lớn các bị can trong vụ án có trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật, nhận thức chính trị phiến diện, lệch lạc và nhiều hạn chế khác; một số bị can không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn và bất mãn với chính quyền trong việc đền bù, thu hồi đất. Các trường hợp này thường xuyên lên mạng Internet, các trang mạng xã hội để đọc, xem các bài viết, video có nội dung xuyên tạc, đả kích, nói xấu, bôi nhọ Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh; đồng thời bị các thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” câu móc, tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo, cổ xuý kêu gọi tham gia thực hiện “Trưng cầu dân ý” bầu Đào Minh Quân làm “Tổng thống”;… hứa hẹn cấp đất, cấp nhà, chăm lo cho người dân nghèo có cuộc sống ấm no. Từ đó, các bị can bị tiêm nhiễm và mù quáng tin theo luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc; sùng bái cá nhân Đào Minh Quân nên đã nảy sinh tư tưởng lệch lạc, bất mãn, thù ghét đối với chính quyền, Nhà nước Việt Nam mà đồng ý tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và thực hiện các hoạt động tuyên truyền, chống phá theo chỉ đạo của tổ chức này.
Cầm đầu ổ nhóm này là Phan Thị Thảo. Năm 2016, xảy ra sự kiện cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung liên quan khu công nghiệp Fomosa_Hà Tĩnh. Trong sự kiện này, Thảo đã thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, nhằm thể hiện quan điểm bài trừ Trung Quốc tại Việt Nam trên mạng xã hội Facebook. Trong quá trình lên mạng Internet, đối tượng đã kết bạn với nhiều người có cùng quan điểm và bắt đầu nghiên cứu, chia sẻ những bài viết, hình ảnh về tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Khoảng tháng 12/2016, thông qua sự giới thiệu của người sử dụng Facebook, Thảo kết bạn với Kelly Triệu (Kelly Triệu Thanh Hoa, tự xưng là “Chuẩn tướng”, “Trợ lý cho Thủ tướng Đào Minh Quân”). Từ đó, đối tượng được tuyên truyền về “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”; về Quân và vận động đăng ký tham gia tổ chức.
Từ năm 2017 đến tháng 6/2022, Thảo đã sử dụng nhiều bí danh; được giữ nhiều vị trí, chức vụ như Viện trưởng Viện Chiêu hiền, Giám đốc Nha tổng Thanh tra quân lực Việt Nam Cộng hoà; thành viên Viện nghiên cứu chính trị; thành viên Chương trình Thông tin và Truyền thông; thành viên Hội đồng Tuyên- Nghiên huấn thuộc “Hội phụ nữ Tân dân chủ toàn cầu” và đại biểu “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” khu vực Gia Định. Sau đó, do nhận thấy các vị trí, chức vụ khác nhau không thực chất và chỉ giữ vai trò là thành viên nên Thảo tập trung thực hiện chức vụ “Viện trưởng Viện Chiêu hiền”. Đối tượng sau đó đã sử dụng các tài khoản Facebook để tuyên truyền về Đào Minh Quân; tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”; đào tạo, huấn luyện các thành viên khác nhằm xây dựng, phát triển tổ chức, lôi kéo, tuyển lựa, phát triển thành viên trong nước cũng như hỗ trợ các thành viên khác thực hiện “Trưng cầu dân ý”.
Để đào tạo, huấn luyện các thành viên nhằm xây dựng, phát triển tổ chức, từ tháng 5/2019, Thảo bắt đầu tham gia họp trực tuyến qua ứng dụng FCC ở nhiều nhóm khác nhau và thường xuyên liên lạc, trao đổi với các thành viên chủ trì các cuộc họp FCC như Huệ Lâm- Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Hoàng Tôn-Tổng cục trưởng Cục chiến tranh chính trị; Tammy Thắm Huỳnh- Trưởng Ban hồ sơ; Võ Kim Lan – Trưởng phụ trách Đoàn nữ quân nhân Quân lực Việt Nam cộng hoà… Cùng với đó là hoạt động phát triển tổ chức, từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2021, qua giới thiệu của các thành viên khác và từ mạng xã hội Facebook, Thảo đã tuyên truyền, lôi kéo và giúp nhiều trường hợp ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai và Tiền Giang làm hồ sơ, thủ tục tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Ngoài ra, đối tượng còn tham gia hỗ trợ các thành viên khác thực hiện “Trưng cầu dân ý” cho nhiều người theo đề nghị giúp đỡ của 2 thành viên khác là Nguyễn Hữu Thuận (Đồng Tháp) và Trần Thọ (Thừa Thiên Huế). Trong đó, đáng chú ý tại Gia Lai, đối tượng đã tự ý lấy thông tin của chị N.T.S ở huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, một người làm nghề buôn bán rau tự do để thực hiện “Trưng cầu dân ý” mà không cho bà này biết…
Trường hợp thứ hai là Trần Thiện. Đầu năm 2017, đối tượng này bắt đầu tìm hiểu về tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” qua các video giới thiệu trên youtube. Từ đó, Thiện tiếp cận các nội dung tuyên truyền về tổ chức như sẽ bố trí việc làm, cấp nhà, hưởng nhiều chế độ tốt, có cuộc sống sung sướng cho người tin, theo “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”… Từ các đường link, Thiện bắt đầu truy cập tìm hiểu các nội dung. Đến cuối năm 2017, đối tượng Thiện được duyệt là thành viên của “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” nhưng chưa có bí danh, bí số. Thời gian sau đó, Thiện thường xuyên tìm hiểu về tổ chức và tiểu sử của Quân nên đã được tổ chức phong cấp bậc “Thiếu tá” và tự chọn bí danh hoạt động của mình là “Lê Hoàng Phúc”. Đến đầu năm 2021, Thiện được vinh thăng từ “Thiếu tá” lên “Trung tá”. Tương tự như bị can Thảo, Thiện chủ yếu thực hiện nhiệm vụ là thành viên “Viện Chiêu hiền”; tích cực tham gia nhóm họp FCC trên nhóm của “Viện Chiêu hiền” và thực hiện các nhiệm vụ do Thảo giao…
Bị can Cao Thị Ngọc Diễm bắt đầu tìm hiểu về “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” từ khoảng cuối năm 2018, qua các video trên youtube. Từ đó, tiếp cận các nội dung tuyên truyền như tham gia tổ chức sẽ được cấp nhà, có việc làm; được miễn phí khám chữa bệnh, đi học; được hưởng nhiều chế độ tốt, có cuộc sống sung sướng… Đầu năm 2019, Diễm đã kết bạn với Hoàng Tôn và tự gửi hồ sơ đăng ký tham gia vào tổ chức nhưng vào thời điểm đó chưa được chấp nhận do chưa tham gia “Trưng cầu dân ý”.
Sau đó, vào cuối năm 2019, với sự giúp đỡ của Hoàng Tôn, Diễm tham gia “Trưng cầu dân ý” và được cấp mã “căn cước”. Từ đó, đối tượng thường xuyên liên lạc với “Huệ Lâm” để nhờ đăng ký làm thành viên của tổ chức. Từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2020, ngoài là thành viên “Truyền thông công lý”, Diễm còn là thành viên “Hội phụ nữ Việt Nam Tân dân chủ toàn cầu” với cấp bậc “Đại biểu”, bí danh “Huỳnh Như Ngọc”… Diễm chủ yếu hoạt động tại “Ban Thông tin – báo chí nội địa” với nhiệm như soạn thảo bài viết theo chủ đề do tổ chức phân công để ghi âm gửi cho tổ chức biên tập video đăng lên các kênh truyền thông của tổ chức; đăng tải, chia sẻ các bài viết liên quan đến tổ chức nhằm tuyên truyền cho nhiều người biết… Đối tượng này đã được 4 thành viên “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” chuyển tổng cộng 1.900 USD; 3500 AUD (đô la Úc), 400 EUR (đồng tiền chung Châu Âu). Ngoài ra, đối tượng còn nhận tiền của một số người khác…, số tiền nhận được, đối tượng đã dùng để tiêu xài cá nhân.
Trong tổ chức này, không thể không nhắc đến Trần Thọ và Cao Cương. Trần Thọ là thành viên tinh thần ở trong nước có nhiệm vụ trông coi “Mộ Cao Cao tổ” của dòng họ Đào Minh Quân ở tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Bị can có mối quan hệ với nhiều thành viên cốt cán ở bên ngoài cũng như thành viên trong nước; đồng thời tích cực thu thập thông tin thực hiện “Trưng cầu dân ý” ủng hộ Đào Minh Quân, tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” tại nhiều tỉnh, thành phố ở trong nước.
Trước đó, liên quan đến tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” đã có 25 vụ án với 100 đối tượng tham gia tổ chức bị tuyên phạt với mức án từ 10-16 năm tù. Gần đây nhất, ngày 18/4, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 12 bị cáo phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tại phiên toà này, không ít bị cáo đã rơi nước mắt, ân hận về hành vi phạm tội đã gây ra.
Và trong thời gian tới, 10 bị can trong vụ án Phan Thị Thảo cùng đồng phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân xảy ra tại các tỉnh Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được đưa ra xét xử. Những mức án nghiêm minh của pháp luật sẽ là bài học cảnh tỉnh cho không ít người còn nhẹ dạ, tin theo những lời hứa hẹn viễn vông của Quân.